Đảm bảo an ninh quốc gia ở Đức đang trở thành tâm điểm tranh luận sau các vụ tấn công khủng bố gần đây.
Đầu tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Thomas De Maizière (CDU) đã gặp gỡ, trao đổi với Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas về hướng cải thiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, cũng như cách tăng mức hình phạt dành cho những “thành phần nguy hiểm”, bị tình nghi.Ông De Maizière đề nghị giải thể toàn bộ các cơ quan an ninh và tình báo thuộc cấp tiểu bang để thống nhất thành cấp liên bang, do liên bang quản lý. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia trong ngành vẫn chưa đồng tình với ý kiến này.
Thắt chặt việc trục xuất
Trong vụ tấn công bằng xe tải vào chợ Giáng Sinh, tên khủng bố Anis Amri đã sát hại 12 người và khiến nhiều người khác bị thương nặng. Trước đó, hắn đã bị liệt vào diện „thành phần cực nguy hiểm“. Danh sách „các thành phần nguy hiểm“ và nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan an ninh Đức là những kẻhung hăng, thường cố tình gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm đó, mặc dù đơn xin tị nạn của Anis Amri đã bị bác bỏ từ Hè 2016, Đức vẫn chưa thể trục xuất hắn hoặc có biện pháp tống giam Amri vào trại chờ trục xuất chỉ vì Tunisia hoàn toàn không cấp cho hắn bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.
Trong số 548 người tị nạn bị liệt vào dạng „thành phần Hồi Giáo nguy hiểm“, hiện có tới 224 người không có đủ giấy tờ tùy thân, 62 người trong số đó đã bị bác đơn xin tị nạn. Bộ Nội Vụ Đức không nắm rõ có bao nhiêu người không thể trục xuất vì thiếu giấy tờ, nhưng theo các chuyên gia về khủng bố, không phải tất cả 224 thành phần này hiện đều đang trú ngụ tại Đức. Dự luật mới đề nghị cho phép cảnh sát được bắt giữ người tị nạn đã nhận giấy trục xuất để đưa vào trại chờ trục xuất, kể cả khi chưa có đủ giấy tờ tùy thân, và đặc biệt là khi họ nằm trong danh sách “các thành phần nguy hiểm”.
Ngoài ra, Đức quyết định xem xét lại các gói hỗ trợ phát triển, hỗ trợ kinh tế cũng như việc cấp visa, để gây sức ép với các nước chưa đồng ý ký kết hoặc chưa thực hiện đủ hiệp ước nhận lại tị nạn. Đối với tị nạn thuộc các nước không nằm trong vùng chiến sự khu vực Nam Phi như Marocco, Algeria và Tunisia, đảng Union muốn nhanh chóng hoàn tất thủ tục bác bỏ tị nạn để trả họ về nước.
Dùng khóa chân điện cho cả những kẻ bị tình nghi
Trên cả nước hiện có 88 tội phạm đang phải mang khóa chân điện, trong đó 63 tên phạm tội xâm phạm tình dục và 25 tên bị các án nặng khác. Qua hệ thống định vị GPS gắn trên khóa, Trung Tâm Theo dõi Tội phạm chung (Gemeinsame Überwachungsstelle der Länder, nằm ở Bad Vilbel thuộc Hessen) sẽ dễ dàng xác định và quản thúc vị trí đi lại của đối tượng bất cứ lúc nào.
Điều luật này đã được thông qua năm 2011 và đưa vào Bộ Luật Hình Sự. Ngoài những tù nhân nguy hiểm, bị án nặng bậc nhất như xâm phạm tình dục, phạm các tội xâm hại đến quốc gia hoặc ủng hộ, đầu tư và tham gia vào các tổ chức khủng bố, đặc biệt có nguy cơ tiếp tục gây án, thì dự luật mớiyêu cầu thắt chặt hình phạt bằng cách sử dụng khóa điện này cho cả những nhân vật Hồi Giáo nguy hiểm, dù “chỉ mới” nằm trong diện bị tình nghi, không chỉ ở Đức, mà tại các quốc gia khác nữa. Tuy nhiên, để ấn định và cưỡng chế một người phải đeo khóa điện chỉ vì nghi ngờ hắn gây án là điều rất khó trong một nhà nước pháp quyền như Đức. Các cơ quan an ninh cần có nhiều lý do chính đáng và phù hợp với luật nhân đạo cũng như các luật cơ bản về quyền công dân, không chỉ để giải trình trước tòa án, mà bởi vì phạm nhân cũng có quyền được biết và được kháng án. Tòa án Hiến Pháp Liên bang (Bundesverfassungsgericht) tại Karlsruhe có thể sẽ là nơi đứng ra thụ án.
Nội các liên bang cũng đã thông qua dự luật về việc đặt máy camera kiểm tra tại những khu vực công cộng như trung tâm mua sắm, nhà ga… Điều luật này khiến các chuyên gia bảo vệ thông tin tư nhân không thể tiếp tục chống đối việc kiểm soát có lý do tại những sự kiện lớn như các ngày lễ, ngày hội nhà thờ hoặc ngày hội thể thao. Kèm theo đó, quy định nơi ở cố định cho người tị nạn cũng được đề xuất cần được thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa, các tiểu bang cần điều chỉnh và thay đổi tiêu chuẩn, đặc biệt đối với những người không rõ thân thế.
CẨM CHI