Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Được phép mua cần sa khi có đơn bác sỹ

Ảnh minh họa: pixabay.com

Cho đến nay, chỉ được phép sử dụng cần sa khi được cấp phép đặc biệt Ausnahmeerlaubnis và nhập khẩu từ nước ngoài cho mục đích y tế. Mới đây, Bộ Y tế đã trình lên tiểu bang và các hội đoàn dự luật nới lỏng quy định sử dụng cần sa làm thuốc.

Theo đó, bệnh nhân có thể nhận dược thảo cần sa tại hiệu thuốc khi có đơn của bác sỹ. Viện Dược thảo và các thiết bị y tế BfArM đóng vai trò Cơ quan Quản lý cần sa nhà nước với nhiệm vụ phối hợp và kiểm tra việc trồng và cung cấp cần sa đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, BfArM sẽ công bố việc trồng cần sa (den Anbau von Cannabis ausschreiben), mua lại toàn bộ vụ thu hoạch và bán cho nhà sản xuất dược thảo, công ty bán buôn hay cửa hàng thuốc, đồng thời ấn định giá xuất xưởng cho cần sa. Đối với cần sa sản xuất trước và đóng gói sẵn bán cho người tiêu dùng, khi bán lại cho công ty bán buôn hay nhà thuốc, sẽ áp dụng mức giá dành cho dược phẩm đóng gói.

Dược thảo cần sa có hai loại: Cần sa dưới dạng hoa hay triết xuất chất lượng đạt tiêu chuẩn và dược thảo với chất Dronabinol hay Nabilon. Dự luật còn đề xuất thay đổi Luật thuốc mê, chỉ còn liệt kê cần sa trong phụ lục III (dành cho các loại thuốc mê có thể bán ra thị trường và có thể được bác sỹ kê đơn) và xóa khỏi phụ lục I (dành cho các loại thuốc mê không được bán ra thị trường) và phụ lục II (có thể bán ra thị trường nhưng không cần đơn bác sỹ). Từ trước đến nay, hiệu thuốc là nơi duy nhất được phép bán cần sa, sắp tới sẽ không cần giấy phép đặc biệt của BfArM nữa. Đối với cần sa sấy khô dùng làm thuốc sẽ có thêm quy định ngoại lệ, do loại này được định nghĩa là „chất liệu“ (Stoff) chứ không phải „sản phẩm được chế biến“ (Zubereitung), trong khi nguyên tắc kê đơn thuốc mê chỉ áp dụng cho „sản phẩm chế biến sẵn“. Theo đó, bác sỹ được phép kê đơn cần sa giống như các loại thuốc mê khác, nếu việc sử dụng hợp pháp theo quy định y khoa. Dự tính, ngưỡng cao nhất là 100gr cho 30 ngày, trong trường hợp ngoại lệ bác sỹ được phép kê đơn với liều lượng cao hơn. Nha sỹ và bác sỹ thú y không được phép kê đơn cần sa.

Bên cạnh đó, dự luật cũng đề xuất thay đổi quy phạm về thuốc mê và thương mại. Theo đó, bệnh nhân được phép mua tại nước ngoài lượng cần sa ghi trong đơn mà không cần giấy phép xuất, nhập khẩu. Cho đến nay, điều này chỉ áp dụng cho sản phẩm chế biến sẵn, nên không áp dụng cho cần sa được. Ngoài thay đổi luật thuốc mê, dự luật yêu cầu thay đổi Bộ luật Xã hội quyển V.  Theo đó, những bệnh nhân có bảo hiểm nhà nước được hoàn lại chi phí, nếu đáp ứng các yêu cầu sau: Bị bệnh nặng mãn tính; Không có thuốc điều trị thay thế cho cần sa; Có triển vọng cải thiện bệnh sớm; Bệnh nhân tham gia vào khóa nghiên cứu Begleitforschung giấu tên. Bác sỹ quyết định, liệu bệnh nhân có thể được điều trị bằng cần sa hay không. Đối với đơn thuốc đầu tiên, phải xin Qũy bảo hiểm y tế hoàn lại chi phí trước khi bắt đầu điều trị. Khi đó, Qũy bảo hiểm sẽ ủy quyền cho Dịch vụ y khoa của bảo hiểm y tế kiểm tra xem có đáp ứng các tiêu chuẩn điều trị không.

Theo Bộ Y tế BMG, nên hoàn lại chi phí cho cả chế phẩm cần sa Dronabinol và Nabilon. Cho đến nay, việc điều trị bằng cần sa không được công nhận là một phần của phương pháp điều trị mới. Sắp tới, những bệnh nhân muốn được hoàn lại chi phí, phải tham gia vào một khóa nghiên cứu Begleitforschung, kéo dài đến cuối tháng 12.2018, là cơ sở ấn định các điều kiện hoàn chi phí điều trị từ tháng 8.2019. Theo đó, các dữ liệu của bác sỹ như chẩn đoán, trị liệu, liều lượng và tác dụng phụ sẽ được ghi chú lại và gửi cho Bộ Dược phẩm và Các thiết bị y khoa. Những dữ liệu này giấu tên, có nghĩa, không biết bệnh nhân được điều trị là ai. Kết quả của nghiên cứu được tổng kết trong báo cáo và trình lên Hội đồng liên bang sau 5 năm nghiên cứu và được dùng làm cơ sở cho những ấn định khác cho quỹ bảo hiểm.

Hiện nay, toàn liên bang có 647 bệnh nhân có giấy phép đặc biệt theo điều 3, khoản 2, Luật thuốc mê (BtMG) của Bộ Dược phẩm và các thiết bị y tế. Tùy nhu cầu hàng ngày, chi phí điều trị hàng tháng lên đến 800 Euro mỗi bệnh nhân. Năm 2014, Đức nhập khẩu 48kg cần sa với giá 18 Euro/gr,  tương  đương  tổng cộng 864.000 Euro. Dược phẩm cần sa chỉ được dùng trong điều trị bệnh nặng, khi không còn phương án điều trị thay thế khác. Chẳng hạn, có thể dùng cần sa làm dịu cơn đau khi điều trị bệnh mãn tính hay khi hóa trị ung thư bệnh nhân bị mất cảm giác thèm ăn và chóng mặt. Do bệnh nhân cần loại thảo dược đạt chất lượng tiêu chuẩn, nên không thể tự trồng. Dự thảo đề xuất tạo điều kiện cho việc trồng cần sa với mục đích y tế để cung cấp dược phẩm đạt chất lượng. Để đạt được điều này, cần xây dựng công ty cần sa nhà nước.

Chất lượng cây trồng và chiết xuất đóng vai trò quan trọng cho sự thành công  của việc điều trị bằng cần sa. Theo quy định của Luật thuốc mê, trồng cần sa phải được giám sát chặt chẽ. Viện BfArM  có  nhiệm vụ kiểm tra và giám sát việc trồng cần sa làm thảo dược tại Đức. Cho đến khi thực hiện được điều này, sẽ tiếp tục nhập khẩu cần sa, chủ yếu từ Hà Lan.

Theo nghiên cứu quốc tế của 10 năm gần đây, việc tiêu thụ và lạm dụng cần sa, đặc biệt ở giới trẻ dẫn đến hàng loạt hậu quả nghiêm trọng như rối loạn thể chất và tâm lý xã hội (chẳng hạn rối loạn tâm thần phân liệt), hay ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng như bệnh tim mạch và làm suy yếu chức năng thần kinh như giảm khả năng học, tập trung hay chức năng bộ nhớ. Do đó, ngày càng nhiều bác sỹ tâm lý học trẻ em các chuyên gia điều trị nghiện tại khu vực nói tiếng Anh yêu cầu tránh sử dụng cần sa đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Các hiêp hội chuyên về tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên tại Đức cũng phản đối việc hợp pháp hóa cần sa. Dự tính sẽ áp dụng luật mới từ đầu năm 2017. Trong những tháng đầu tiên áp dụng, bệnh nhân chắc chắn phải đợi thuốc rất lâu. Các chuyên gia ước tính, hàng năm cấp dược thảo cần sa cho khoảng 800.000 bệnh nhân có đơn bác sỹ.

Trần Trúc Quỳnh (tổng hợp)