TBVĐ- Liệu một người có quyền thừa kế những tài sản trên „thế giới ảo“ như một tài khoản Facebook hay mạng xã hội không?
Sự bùng nổ của số hoá và kết nối mạng toàn cầu đã khiến các dữ liệu cũng dần trở thành một phần “tài sản” có thể “thừa kế” và “thừa hưởng” lại: Bao gồm mọi dữ liệu trong thư điện tử, ảnh và dữ liệu lưu giữ trên Cloud, các dữ liệu được đăng hay lưu lại trên các trang mạng xã hội.
Và tất nhiên, cũng như mọi xu hướng phát triển xã hội khác, vấn đề này cũng nảy sinh ra nhiều tranh cãi khác nhau. Đặc biệt là câu hỏi: Những qui định trong luật thừa kế của Đức có thể áp dụng cho việc thừa kế dữ liệu và đáp ứng đúng lợi ích của người sử dụng mạng hay chưa? Đa số mọi người đều đồng tình việc được thừa hưởng dữ liệu – dù đó là dữ liệu kinh tế hay cá nhân – theo điều 1922 Luật Công Dân (BGB).
Vụ kiện giữa một người mẹ và Facebook trước Toà án tối cao liên bang Đức (BGH ) về việc được quyền tái sử dụng tài khoản của người con gái đã qua đời từng kéo dài nhiều năm và gây nhiều tranh cãi. Năm 2012, người con gái mới 15 tuổi của nguyên đơn gặp tai nạn vì bị tàu điện ngầm đâm phải. Nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến tử vong là tự tử, nên người lái tàu đã đòi bồi thường thiệt hại. Bố mẹ của nạn nhân đâm đơn kháng án. Theo lời của nhân chứng, rất có thể tài khoản Facebook của cô gái lưu giữ nhiều đầu mối làm sáng tỏ được chi tiết này.
Tuy nhiên, ban quản lý Facebook từ chối không cho bố mẹ của nạn nhân được mở lại tài khoản của con gái. Lúc này, trạng thái của tài khoản đã được Facebook chuyển thành “tưởng niệm” (“In Erinnerung an …”), vì thế tài khoản này không ai có thể sử dụng hay sửa đổi gì trong đó. Đồng thời, Facebook cũng nêu lý do rằng, lúc còn sống, nạn nhân không ấn định tên những tài khoản cần liên hệ khi gặp sự cố, nên họ chỉ có thể dựa vào điều khoản giao dịch chung cũng như việc bảo toàn bí mật viễn thông được qui định trong điều 88 đoạn 3 Luật Thông Tin Viễn Thông (Telekommunikationsgesetz, viết tắt là TKG) để giải quyết việc này mà thôi.
Lần đầu đâm đơn kiện ra toà án thành phố Berlin, người mẹ của nạn nhân thắng kiện cấp sơ thẩm (án quyết ra ngày 17-12-2015, án số Az. 20 O 172/15). Sau đó, Facebook kháng án lên toà án tối cao Kammergericht (KG) Berlin và thắng kiện cấp phúc thẩm. Hội đồng xét xử của toà KG đồng tình với Facebook rằng: Luật bảo mật thông tin viễn thông không cho phép người thừa kế có quyền truy cập vào tài khoản của người đã qua đời (án quyết ra ngày 31-5-2017, án số 21 U 9/16). Thế nhưng, án quyết này nhận về nhiều lời chỉ trích. Một lần nữa, người mẹ đâm đơn kháng án lên toà án tối cao liên bang BGH tại Karlsruhe.
Trong khi toà KG coi bên để lại thừa kế và bên hưởng thừa kế là hai người khác nhau để áp dụng luật bảo mật thông tin viễn thông, thì toà BGH lại xét án theo điều 1922 đoạn 1 Luật Công dân – nghĩa là tất cả những người được quyền hưởng thừa kế của một người đã mất cũng có quyền hưởng tất cả những gì người này để lại và xử lý mọi tình
trạng pháp lý của người quá cố. Người hưởng thừa kế phải được đối xử như người để lại thừa kế, nếu không có di chúc qui định khác đi. Điều đó bảo đảm việc duy trì các quan hệ pháp lý một cách rõ ràng kể cả sau khi chết.
Như vậy, cha mẹ của cô gái đã chết hoàn toàn có quyền thay cô tiếp tục sử dụng tài khoản trên Facebook. Theo toà BGH, thư tín điện tử đều phải nhận được sự quan tâm về luật pháp như thư viết tay, bởi cả hai dạng này đều nằm trong “tài sản” của một người đã chết, bất kể nội dung của chúng riêng tư đến mức độ nào.
Trong khi đó, tài khoản Facebook không thật sự liên quan đến cá nhân nào, mà người mở tài khoản có thể dùng tên giả, địa chỉ giả, thậm chí không cần dùng ảnh đại diện vẫn có thể tương tác với các tài khoản khác. Facebook không quan tâm vấn đề này, mà trên thực tế chỉ tạo ra một mạng xã hội ảo để mọi người có thể trao đổi thông tin mà thôi. Chính vì thế, người có quyền hưởng thừa kế hoàn toàn có thể thay mặt người tạo tài khoản trên Facebook sử dụng tài khoản này.
Theo các chuyên gia về luật thừa kế, quyết định trên của toà BGH hoàn toàn phù hợp và hướng đến những phát triển xã hội ngoài đời thật. Bên cạnh đó, nhiều người bày tỏ mong muốn toà sẽ có hướng giải quyết cả những trường hợp mà người quá cố không muốn ai thừa hưởng lại dữ liệu của họ. (án quyết số BGH 12.7.18, III ZR 183/17).
Bình Minh