Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

EU mạnh tay cắt giảm rác thải

Ảnh minh họa: pixabay.com
Nhằm đảm bảo hàng hóa được bày bán tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) có thể tái chế và được thiết kế mang tính lâu bền hơn, Ủy ban châu Âu (EC) đồng thuận về một số mục tiêu cắt giảm rác thải mới cùng các đạo luật thúc đẩy sản xuất sản phẩm bền vững.

Theo Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevicius, mục tiêu cuối cùng của EU là tách biệt việc khai thác nguồn tài nguyên với tăng trưởng kinh tế.

Theo kế hoạch mới về cắt giảm rác thải từ nay tới năm 2030, EC sẽ công bố đạo luật mới cấm tiêu hủy các hàng lâu bền tồn kho, hạn chế sản xuất các sản phẩm dùng một lần hoặc ăn theo xu hướng và sớm trở nên lỗi thời, đặc biệt là các thiết bị điện tử. EU đang xem xét giới thiệu bộ sạc điện thoại di động phổ biến và khuyến khích người tiêu dùng sửa chữa chúng khi hỏng. Ngoài ra, kế hoạch giảm rác thải của EC cũng bao gồm lĩnh vực dệt may, khi chỉ 1% hàng dệt may toàn cầu hiện đang được tái chế. EC cũng sẽ đề xuất một khung pháp lý mới đối với các sản phẩm pin và từng bước loại bỏ các loại pin không sạc được, cũng như hạn chế rác thải bao bì. Tuy nhiên, kế hoạch trên vẫn cần sự chấp thuận từ các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu.

Cũng nằm trong mục tiêu giảm rác thải, EU và 66 tổ chức gồm doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ đã phát động “một thỏa thuận châu Âu về nhựa” nhằm kiểm soát sử dụng nhựa thông qua một nền kinh tế tuần hoàn, bằng cách giảm thiểu rác thải nhựa và sử dụng nhựa trong sản xuất, cũng như tái chế và tái sử dụng nhiều hơn vật liệu này. Theo thỏa thuận, từ nay tới năm 2025, các thành viên của liên minh công-tư này cam kết: tất cả bao bì nhựa và sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần được đưa ra thị trường theo hướng được tái sử dụng hoặc được tái chế; giảm ít nhất 20%về trọng lượng sản phẩm và bao bì bằng nhựa; tăng sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm và bao bì mới.

Đồng tình với thỏa thuận trên, giới chuyên gia môi trường cho rằng các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến. Đây cũng một cơ hội duy nhất để các chính phủ và các doanh nghiệp làm việc cùng nhau để có một tương lai xanh hơn. Châu Âu là khu vực đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải. Trong đó, Na Uy hiện là quốc gia dẫn đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa, với 97% chai nhựa được tái chế. Một số quốc gia ở châu Âu còn đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa.

EC cũng đang cân nhắc trong năm nay nâng mục tiêu khí hậu của EU năm 2030, theo đó cắt giảm 50% hoặc 55% lượng khí nhà kính so với mức năm 1990, thay vì mức tối thiểu 40% như hiện nay. Trong một bức thư được 12 quốc gia EU ký tên, các nước đã nhấn mạnh rằng EC cần đưa ra một kế hoạch về mục tiêu khí hậu trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc vào tháng 11 tới để các nước thành viên EU có thời gian thông qua mục tiêu cắt giảm cuối cùng.

Theo Thanh Hằng / sggp.org.vn