Những quả trứng được gà đẻ ra trong ngày này sẽ mang đến rất nhiều may mắn.
Ostern – Lễ Phục Sinh tại Đức là một lễ hội mùa xuân rất quan trọng, bắt nguồn từ thời cổ đại, khi con người còn tin có nhiều thần thánh. Đây là dịp người ta muốn thể hiện lòng thành kính bằng cách ca hát và nhảy múa, dâng lên nhiều hoa trái để tạ ơn và cầu bình an. Đặc biệt, đây chính là ngày kỷ niệm Chúa Jesus hồi sinh sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá. Từ đó, truyền thống Ostern lại chịu rất nhiều ảnh hưởng từ Thiên Chúa Giáo, đồng thời là một dịp lễ tạ ơn trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, mang đến nhiều hi vọng và niềm vui đầu năm.
Lễ Phục Sinh không cố định vào một ngày trong năm, mà thay đổi theo chu kỳ mặt trăng. Nó bắt đầu bằng ngày Gründonnerstag (năm nay là ngày 13-4-2017) – tiếng Việt là Thứ 5 Tuần Thánh – theo Kinh Thánh thì đây là ngày mà Chúa Jesus đã chia sẻ bữa ăn tối cuối cùng với các môn đồ. Cũng chính trong ngày hôm đó, Ngài đã bị phản bội và bị bắt giữ. Người theo đạo Thiên Chúa Giáo bắt đầu ngày Thứ 5 Tuần Thánh với 3 lễ kỷ niệm gồm sự cam chịu (Leiden), cái chết (Tod) và hồi sinh (Auferstehung) của Chúa Jesus – kéo dài 3 ngày. Từ “grün” ở đây thực chất không mang nghĩa “màu xanh”, mà nó bắt nguồn từ từ cổ “gronan” với nghĩa là “khóc” (weinen) – khóc thương cho con đường cứu rỗi của Chúa Jesus.
Người ta tin rằng, những quả trứng được gà đẻ ra trong ngày này sẽ mang đến rất nhiều may mắn! Sau Gründonnerstag sẽ đến Karfreitag – ngày Thứ 6 Tuần Thánh hay còn gọi là “thứ 6 tĩnh mịch” – là ngày Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá.
Đối với các tín đồ Thiên Chúa Giáo, đây là một ngày họ tưởng nhớ Đấng Cứu Độ . Nhiều nhà thờ không rung chuông vào ngày này, các buổi lễ sẽ không có nhạc đệm và các tín đồ sẽ không hát thánh ca. Qua ngày thứ 7 sẽ đến Ostersonntag – ngày Chủ nhật Phục Sinh – chính là thời điểm mà Kinh Thánh kể lại rằng, các bà đi lấy nước đã phát hiện ra chiếc quan tài trống rỗng của Chúa Jesus. Ngày ấy đã trở thành tâm điểm trong niềm tin bất diệt của các tín đồ. Họ tổ chức những lễ hội tạ ơn sự sống và Đấng Tối Cao (Gott) – mùa Phục Sinh bắt đầu vào ngày Chủ Nhật Phục Sinh, kéo dài 50 ngày cho đến lễ Hạ Trần (Pfingsten) vào tháng 5. Vào thứ 2 Phục Sinh – Ostermontag – người ta dường như đua nhau bắt đầu một cuộc sống mới.
Phong tục tập quán dân gian
Một tục tập quán đẹp trong Lễ Phục Sinh là đốt lửa vào đêm thứ 7 trước ngày Chủ Nhật Phục Sinh – tiếng Đức gọi là Osterfeuer. Ngọn lửa này biểu tượng cho sự hồi sinh của Chúa Jesus, cũng là ánh sáng Ngài mang đến thế gian này. Lễ Phục Sinh tại Đức từ lâu cũng giống như lễ Giáng Sinh, là một ngày lễ gia đình chứ không chỉ dành riêng cho các tín đồ Thiên Chúa Giáo, vì thế nhiều người không theo đạo Thiên Chúa cũng tham gia đốt lửa, trang trí nhà cửa và tổ chức trò chơi tìm trứng, tặng quà cho trẻ em.
Vì sao có tập tục “Thỏ mang Trứng” (“Osterhase bringt Ostereier”)?
Đầu năm cũng là mùa thỏ sinh con, giống hình ảnh quả trứng, tượng trưng một cuộc sống mới. Trứng Phục Sinh là truyền thống từ thế kỷ thứ 16. Trong thời kỳ tuyệt thực (Fastenzeit) trước lễ Phục Sinh, tín đồ Thiên Chúa không ăn trứng. Để bảo quản chúng, họ đã luộc trứng cùng với một số loại cây cỏ nhuộm màu nhằm phân biệt giữa trứng chín và trứng sống. Rồi thời gian trôi qua, con người dần phát hiện có thể nhuộm trứng bằng cả các thứ khác có sẵn trong thiên nhiên nữa. Theo phong tục thì các tín đồ Thiên Chúa Giáo chỉ bắt đầu nhuộm trứng vào ngày thứ 7, và vào hôm sau – vào Chủ Nhật Phục Sinh, họ sẽ xếp chúng trong giỏ mang đến cúng ở nhà thờ. Sau buổi lễ, người lớn đem giấu những quả trứng “lộc” đó để trẻ nhỏ đi tìm. Quả trứng màu đỏ sẽ mang thật nhiều may mắn, còn quả màu xanh da trời sẽ mang bất hạnh. Sau trò chơi tìm trứng, mọi nhà sẽ quây quần bên bàn để thưởng thức những món ăn truyền thống như thịt cừu, thịt thỏ hoặc gà nướng … ăn kèm trứng luộc, khoai tây và các loại rau củ như đỗ, cà rốt, rau cải chua.
Cẩm Chi