TBVĐ- Về cơ bản, nếu đến hẹn mà không trả tiền cho dịch vụ hoặc mặt hàng đã sử dụng, thì sau một khoảng thời gian, con nợ sẽ nhận được thư cảnh cáo thứ nhất nhằm nhắc nhở. Lúc này, nếu vẫn không trả tiền, sẽ chính thức bị coi là “đã trễ hẹn thanh toán” (in Verzug geraten, điều 286 Bộ luật công dân), sẽ bị tính thêm phí cảnh cáo, phí trễ hẹn, thậm chí tiền bồi thường.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nếu đã thống nhất và ghi chú cụ thể một thời hạn (có ngày tháng nhất định như “phải thanh toán đến ngày 20 tháng 8”, đặc biệt tiền thuê nhà, tiền lương v.v…), chủ nợ sẽ không cần gửi thư cảnh cáo. Ví dụ một số quy định như “hạn trả trong vòng 14 ngày sau khi tiếp nhận” hoặc “trả trong vòng 20 ngày sau khi chuyển hàng”. Thế nhưng nếu các thời hạn này không được hai bên thống nhất từ trước, chỉ do chủ nợ tự ý đưa ra và không nằm trong khoảng thời gian hợp lý (ví dụ “phải trả ngay sau khi chuyển hàng” là không hợp lý), thì con nợ cũng không bị coi là trễ hẹn nếu nhận thư cảnh cáo.
Đôi khi chúng ta còn thấy một dòng ghi chú ngay trong hóa đơn như sau: “Verzug tritt spätestens ein, wenn nicht innerhalb von 30 Tagen nach Fälligkeit und Zugang dieser Rechnung gezahlt wird.“ – nghĩa là sau khi nhận được hóa đơn này, người nợ tiền phải thanh toán trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ bị coi là trễ hẹn, không cần cảnh cáo cũng có thể phạt tiền hoặc đòi bồi thường. Nếu không có dòng chữ này thì chủ nợ phải gửi thư cảnh cáo riêng.
Cẩm Chi