Lạm phát ở Đức đã dẫn tới làn sóng đình công trong những tháng gần đây. Người lao động đòi tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Sân bay không bóng người
Theo Đài DW của Đức, nhân viên tại 3 sân bay của nước này đã đình công kể từ ngày 20-4, khiến khoảng 700 chuyến bay bị hủy.
Các sân bay bị ảnh hưởng là Dusseldorf, Hamberg và Cologne/Bonn. Theo ghi nhận của Đài DW, trong sáng 20-4, cả 3 sân bay này không một bóng người.
Cuộc đình công dự kiến mở rộng sang sân bay Stuttgart trong ngày 21-4. Theo Hiệp hội Sân bay Đức (ADV), ít nhất 100.000 hành khách bị ảnh hưởng bởi sự kiện này.
“Tình hình tại các sân bay ngày hôm nay giống như các cuộc đình công trước đó của Công đoàn Verdi trong năm nay: sân bay thì trống, tình hình thì ôn hòa”, người phát ngôn của sân bay Hamburg cho hay.
Trong khi đó, vẫn chưa có lối ra cho đàm phán nâng tiền lương. Công đoàn Verdi yêu cầu tăng lương cho người lao động làm ca đêm, ca cuối tuần và ngày nghỉ lễ.
Ảnh hưởng hơn 900.000 hành khách
Trong hơn 3 tháng rưỡi đầu năm 2023, hơn 900.000 hành khách đã buộc phải đổi lịch bay hoặc thậm chí hủy chuyến do các cuộc đình công mà Công đoàn Verdi tổ chức.
ADV lo ngại rằng các sân bay đang bị dùng làm “sân khấu” để đình công lâu dài.
Ngoài đình công ở sân bay, Công đoàn vận tải và đường sắt Đức EVG cũng kêu gọi đình công trên toàn quốc ngày 21-4, ảnh hưởng đến khoảng 50 công ty, bao gồm Công ty điều hành đường sắt quốc gia Deutsche Bahn.
Hành khách đi đường sắt được khuyến cáo nên dời lịch lại nếu có thể, vì chắc chắn giao thông sẽ bị đình trệ trong ngày 21-4.
EVG muốn tăng lương 12%, hoặc thêm tối thiểu 650 euro (712 USD) mỗi tháng, cho 230.000 nhân viên.
EVG khẳng định việc tăng lương là cần thiết do “gánh nặng tài chính tăng mạnh”. Lạm phát ở Đức đã giảm xuống còn 7,4% trong tháng 3, trong khi mức cao nhất là 8,8% của tháng 10 năm ngoái.
Theo Minh Khôi / tuoitre.vn