Ngày 7/3, tại trụ sở Bộ Y tế (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Nguyễn Thanh Long và nguyên Bộ trưởng Y tế PGS. TS. Trần Thị Trung Chiến đã tiếp TS. Stefan Rudolf, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế bang Mecklenburg-Vorpommern (CHLB Đức) cùng đoàn công tác gồm nhiều doanh nghiệp, đại diện các trường cao đẳng, bệnh viện, cơ sở đào tạo nghề của bang trong chuyến thăm tới Việt Nam.
Chuyến thăm lần này của đoàn nhằm hiện thực hóa ý định thư về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế – y tế giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế bang Mecklenburg-Vorpommern đã được ký kết tại Berlin vào ngày 6/7/2017 (dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ Trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries trong khuôn khổ G20).
Tại cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long và Quốc vụ khanh Stefan Rudolf bày tỏ mong muốn sớm đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa hợp tác trong lĩnh vực y tế của bang Mecklenburg-Vorpommern với Việt Nam trong đó bao gồm đào tạo nguồn nhân lực đào tạo nguồn nhân lực y tế, điều dưỡng từ Việt Nam chăm sóc sức khỏe cho các bệnh viện, nhà dưỡng lão của Đức và đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho các bác sĩ, nhà nghiên cứu, chuyên viên Việt Nam làm việc ở Đức.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long hy vọng bang có thể hợp tác với Việt Nam đào tạo bác sĩ chuyên ngành, nhà nghiên cứu, áp dụng thành tựu để ứng dụng tại Việt Nam trong điều trị bệnh tiểu đường, tim mạch,… Việt Nam mong muốn cử chuyên gia đầu ngành trao đổi, học tập với Đức, chuyển giao công nghệ plasma và công nghệ mới trong điều trị bệnh cho ngành y tế Việt Nam.
Phía bang Mecklenburg-Vorpommern cũng mong muốn Việt Nam sẽ tham gia vào Hội đồng nghiên cứu quốc gia – liên minh quốc tế của Đức để phát triển y tế công nghệ cao. Trung tâm nghiên cứu plasma ở bang sẽ mời các trường Đại học, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam trở thành thành viên phát triển nghiên cứu plasma ở Đức.
Trong lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng, bang Mecklenburg-Vorpommern quan tâm tới các bạn trẻ sang làm việc ở Đức trong lĩnh vực điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe đạt chứng chỉ ngôn ngữ cần thiết,… Bang sẽ tạo điều kiện để 12 giảng viên ngôn ngữ của Việt Nam sang Đức học 6 tháng. Bang cũng sẽ hợp tác với các trường đại học điều dưỡng, y khoa của Việt Nam để phát triển lĩnh vực chuyên nghiệp hơn.
Tại cuộc gặp gỡ, hai bên cũng nhất trí ủng hộ việc Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế bang Mecklenburg-Vorpommern sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế – y tế giữa hai nước.
Linh Anh (t/h) / tuoitre.vn