Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Lời khuyên khi hỏng hóc trong nhà cần gọi dịch vụ

Hình minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Từ trong nhà vội đem rác ra sân, hoăc chạy ra hành lang lấy thư, bỗng cửa tự động đóng sập sau lưng. Chìa khoá thì để quên trong nhà. Hoặc ống cống bị nghẹt, xe hơi hỏng, máy giặt không chạy, tất cả đều là những trường hợp cần phải giải quyết khẩn cấp. Lại càng bực mình hơn khi thợ và các dịch vụ sửa chữa lại khai thác tình trạng tuyệt vọng của mình kiểu “tống tiền”.

Theo Hiệp hội Người tiêu dùng (Verbraucherzentrale) Berlin, qua một cuộc thăm dò thực hiện năm 2014, những dịch vụ sửa chữa ổ khóa thường đòi tiền công quá cao. Các chuyên gia đã gởi thư thăm dò cho 49 dịch vụ sửa ổ khóa, bước thứ hai dấu tên gọi điện thoại tra vấn họ, thêm vào đó phân tích 39 khiếu nại của người tiêu dùng. Kết quả: chín trong mười dịch vụ mở khoá cửa thông thường, đòi tiền công quá mức, lên đến 336 €.

Theo Hiệp đoàn Sắt thép liên bang, tiền công mở khóa cửa ngày thường trong giờ làm việc chỉ 80 €, án lệ cho phép 100 €. Vào buổi tối hoặc trong những ngày nghỉ có thể phải trả thêm. Hiệp hội Người tiêu dùng Berlin kết luận: Đòi hơn 160 € cho dịch vụ mở khóa cửa trong ngày thường, là bắt bí “kiểu cho vay nặng lãi”. Đối với các dịch vụ khẩn cấp, thường bị cộng cả những việc không cần thiết, cuối cùng đâm ra tốn kém. Hiệp hội người tiêu dùng Berlin khuyên, thực ra ít khi cần thay ổ khóa. Trong hơn một nửa khiếu nại được xem xét, khách hàng bị bắt thay ổ khóa và phải trả hơn 800 €. Nếu cần thợ sửa những hư hỏng nhẹ có thể đòi bản ước lượng phí tổn của vài hãng hoặc vài thợ khác nhau để so sánh điều kiện dịch vụ, mức thù lao giờ và tiền vật liệu phải trả. Bản ước tính phải cho biết tổng số tiền phải trả cho thợ sửa. Trong đó cần liệt kê từng phần rõ ràng như số giờ làm việc, giờ đi về, phí tổn vật liệu. Trên nguyên tắc, khách hàng không phải trả phí tính toán cho bản ước tính này, trừ khi có thỏa thuận trước đó với thợ sửa.

Ảnh minh họa. Nguồn: pixabay.com

Nói chung, hóa đơn chỉ được nhỉnh hơn bản ước tính tối đa 15%. Nhưng chỉ khi thợ giải trình hợp lý tại sao nhiều hơn dự tính ban đầu. Nếu vượt 15%, có quyền xóa hợp đồng, tuy vậy phải trả những chi phí dịch vụ đã làm đến thời điểm đó.

Trả công thợ theo giờ có thể tốn kém nhiều hơn vì chỉ biết ước chừng khi nào công việc hoàn thành. Nhiều thợ tìm cách làm kéo thêm giờ mặc dù họ có nhiệm vụ giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Nếu thợ đòi trả thù lao theo giờ thì trước đó nên thỏa thuận mức giờ làm việc tối đa để tránh bị bất ngờ sau này. Thợ sửa thường chào giá cao vì nếu tốn kém nhiều hơn mức dự tính thì họ phải chấp nhận bị thiệt. Trong mọi trường hợp phải ghi rõ ràng thỏa thuận giá cả và công việc. Nhiều hãng tránh giá cố định bằng cách đưa ra những khoản trong hợp đồng như được phép tính thêm tiền nếu khách hàng có yêu cầu thêm. Không nên ký những hợp đồng loại này. Ngoài ra, giá cố định hay giá theo đơn vị (Einheitspreis) là giá Brutto, thợ sửa không được quyền tính thêm thuế trị giá gia tăng (Mehrwertsteuer).

Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm phải sửa chữa và chịu hoàn toàn phí tổn thù lao làm việc và tiền vật liệu cho những hư hỏng trong vòng 2 năm hoặc trong thời gian bảo hành được thỏa thuận dài hơn 2 năm. Xui là máy giặt thường hỏng sau thời gian bảo hành. Trong trường hợp này nên so sách dịch vụ, ưu tiên thợ hãng gần nhà để đỡ tốn chi phí đi lại. Theo đánh giá của Stiftung Warentest về dịch vụ sửa chữa máy giặt, thợ sửa của hãng cung cấp máy đó làm việc có uy tín hơn của các công ty dịch vụ sửa chữa tổng hợp.

Dù chọn dịch vụ sửa chữa nào, cũng không nên thương lượng chi phí qua điện thoại để sau này còn có thể kiểm tra hóa đơn và khiếu nại trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, qua điện thoại nên cho thợ biết mã số sản xuất hoặc loại kiểu mẫu, những chi tiết này thường được ghi trong giấy hướng dẫn cách sử dụng. Để tránh trả công sửa cho những bộ phận đúng ra không bị hỏng nên có thêm hiện diện của người nữa khi thợ đến sửa. Ai không tin tưởng khả năng thợ sửa nên hỏi lại ngay hoặc liên hệ với công ty của họ. Dịch vụ ổ khóa, thông cống và điện nước cũng sẵn sàng gởi thợ đến sửa vào ban đêm. Nên cảnh giác, họ hay lợi dụng tình trạng nan nguy của khách hàng.

Có thể tìm hiểu thông tin về thợ sửa chữa và dịch vụ khách hàng được Hiệp hội Người tiêu dùng Nordrhein-Westfalen tóm tắt trong quyển tài liệu “Handwerker und Kundendienste. Meine Rechte und Ansprüche“ (Thợ sửa chữa và dịch vụ khách hàng. Quyền và đòi hỏi của tôi).

Để tránh gặp phiền phức với các dịch vụ không đáng tin cậy, cần chú ý:

Đừng hoàn toàn tin cậy dịch vụ ghi dòng đầu trong sổ danh mục điện thoại. Nhiều dịch vụ lấy tên “AAA-Dienst“ để được ghi ở hàng đầu trong mục lục, hoặc in quảng cáo đặc biệt khổ to. Các hãng đáng tin cậy thường ghi rõ toàn bộ địa chỉ. Tốt hơn nữa là do người quen giới thiệu.

Tốt nhất nên hỏi rõ giá cả và chi phí đi lại. Nhiều dịch vụ ghi mã điện thoại vùng làm khách hàng tưởng nhầm thuộc khu vực địa phương. Dịch vụ ở xa vừa mất thời gian, lại hay gây bực mình và nhất là tốn kém tiền bạc. Không thuê thợ nếu họ từ chối không cho biết giá cả.

Không thanh toán nếu không có hóa đơn. Đòi phí cho công việc viết và xử lý thanh toán hóa đơn, đòi phụ phí công việc khẩn (Sofortzuschlage) hay phụ phí trực sẵn sàng làm việc (Bereitstellungszuschlag) hoặc phí tổn dụng cụ đặc biệt là trái luật. Nếu cảm thấy bị thợ sửa gây áp lực, có quyền từ chối không cho họ bước chân vào nhà.

Bùi Hồng (tổng hợp)