TBVĐ- Trường mẫu giáo trong rừng là một mô hình giáo dục đặc biệt mà không phải ai cũng biết khi ở Đức. Vậy mô hình giáo dục này đặc biệt thế nào?
Được cô Ella Flatau, người Đan Mạch, thành lập vào năm 1950. Ý tưởng được hình thành từ khi cô đi vào rừng cùng con và cháu. Cô nảy sinh ra ý tưởng thành lập nhà trẻ tự nhiên trong rừng vì thấy đám trẻ rất hứng thú vui chơi và quan sát. Sáng kiến này được nhiều phụ huynh quan tâm và nó đã ra đời và lan truyền khắp vùng Scadinavia.
Waldkindergaten được bắt nguồn từ đâu?
Khu vườn trẻ trong rừng được lập ra đầu tiên vào năm 1968 ở Đức là tại Wiesbaden do bà Ursula Sube và được sự hỗ trợ của Pfarrer Bernbeck của Thomasgemeinde. Nhưng chưa được chính thức công nhận của văn phòng thanh thiếu niên mà chỉ là hình thức tư nhân.
Sau nhiều năm phong trào vườn trẻ trong rừng phát triển và cuối cùng mới được công nhận lần đầu tiên ở Flensburg. Dần dần nhiều nơi cũng được thành lập và ngày nay có hơn 1000 vườn trẻ trong rừng ở Đức. 23 trường ở Áo và ở Thụy sĩ cũng được thành lập.
Lợi ích của vườn trẻ trong rừng
Học mà chơi là mô hình vườn trẻ này hướng tới. Trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, bọn trẻ được tiếp xúc, quan sát làm quen và chăm sóc các loài động thực vật rất phong phú ở đó. Trường nhận các bé từ ba đến sáu tuổi.
Khác với ở nhà trẻ thông thường, trẻ em trong trường này được sống hoàn toàn ở môi trường tự nhiên. Trừ giờ ăn và ngủ trưa, bọn trẻ vui chơi cả ngày trong môi trường tự do đó cùng các bạn và cô giáo, người chịu trách nhiệm vừa quan tâm, bảo vệ và hướng dẫn các bé.
Sinh hoạt trong hoàn cảnh tự nhiên này, các bé được học cách quan sát chăm sóc cây cỏ. Tự mình tìm kiếm trò chơi và phân biệt cũng như hiểu biết về thiên nhiên hoang dã. Bình thường lớp có từ 15 đến 25 bé. Mỗi lớp có hai cô giáo phụ trách đi kèm và bọn trẻ cũng nhận được sự giáo dục bình thường như vườn trẻ khác, tuy có khác biệt về phương pháp và điều kiện sinh hoạt.
Nhà cho vườn trẻ không được khang trang ấm áp như ở thành phố mà chỉ là ngôi nhà bình thường, đủ tường bao che nắng che mưa và mùa đông cũng được sưởi ấm. Các thầy cô giáo và người giúp đỡ thường là những người được đào tạo và sinh hoạt trong hiệp hội này. Tuy nhiên bọn trẻ cũng được phát thêm đồ chơi thông thường nhưng hạn chế vì trong môi trường tự nhiên cũng có đủ trò chơi cho chúng và chúng tự tìm kiếm nhiều vật dụng cũng như các hình thức vui chơi rất thú vị khác nhau không bao giờ nhàm chán.
Đám trẻ ở trong rừng và môi trường tự nhiên này khác với những đứa trẻ được gửi trong thành phố là chúng rất khỏe mạnh vì vận động nhiều, đầu óc tự do với nhiều ý tưởng vui chơi đầy sáng kiến không bó hẹp và máy móc như vườn trẻ phổ thông. Chúng thường có óc quan sát tốt hơn, gần gũi với thiên nhiên nên thích ứng với môi trường tự nhiên tốt hơn và suy nghĩ cũng phóng khoáng, thân thiện hơn đặc biệt là sự chịu đựng và thích ứng với thời tiết và miễn dịch rất tốt.
Chúng cũng ít bị căng thẳng, đêm về ngủ ngon vì vận động nhiều và sống trong không khí trong lành nên khỏe mạnh và thậm chí chúng còn ít gặp tai nạn hơn bọn trẻ trong vườn trẻ bình thường.
Trong môi trường tự nhiên này ngoài những lợi ích kể trên các bé cũng được giáo dục những kỹ năng quan sát, cảm xúc và nhận thức không khác biệt với trẻ trong vườn trẻ phổ thông để khi vào trường học các bé có thể hoà đồng, không bị hẫng hụt kiến thức trong chương trình đào tạo chung. Vườn trẻ trong rừng tự nhiên này cũng được sự tài trợ của nhà nước và các bậc phụ huynh.
Điểm bất lợi của mô hình
Điểm bất lợi lớn nhất là vấn đề Zecken, loại côn trùng sống ký sinh nguy hiểm này là mối de dọa lớn cho các bé trong môi trường này nhất là vào mùa hè Zecken phát triển mạnh. Nhiều căn bệnh rất nguy hiểm như bệnh Lyme, viêm não tick-Borne, bebasiosis, Ehrlichiosis hoặc nhiễm trùng Rickettdsia.
Nếu chẳng may bị Zecken đốt mà không biết cách xử lý thì rất nguy hiểm.
Ngoài việc lo sợ bị Zecken đốt ra thì mô hình vườn trẻ trong vườn rất hữu ích. Dạy cho trẻ rất nhiều kỹ năng cũng như tính tự lập và hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Đây là một số kiến thức cho các bậc phụ huynh Việt tham khảo thêm khi con, cháu đến tuổi vào mẫu giáo, hy vọng đóng góp thêm chút hiểu biết về văn hoá và giáo dục nơi quê hương thứ hai này.
Thiên Nga