Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Không ghi chú chất phụ gia trên thực đơn sẽ bị phạt

TBVĐ- Theo luật pháp Đức, việc ghi chú các chất phụ gia trên thực đơn và bảng giá là quy định bắt buộc.

LTS: Một độc giả thư hỏi Thời Báo Việt Đức với nội dung: “Quán ăn của tôi vừa bị kiểm tra vệ sinh. Người kiểm tra yêu cầu chúng tôi phải làm lại thực đơn và in lại toàn bộ bảng giá vì hiện tại không có ghi chú các chất phụ gia thực phẩm. Họ gia hạn cho chúng tôi trong vòng 3 tháng phải thực hiện việc này, nếu không sẽ bị phạt. Tôi lo sợ ghi chú phụ gia thì khách sẽ không dám ăn, mà không ghi chú lại sợ bị phạt nặng. Chúng tôi phải làm sao? Có cần thiết phải ghi chú không và nếu bị phạt thì có đắt lắm không?

Điều số 1169/2011 Quy định thông tin thực phẩm (Verordnung (EU) Nr. 1169/2011 – Lebensmittel- Informationsverordnung, viết tắt là LMIV) được Nghị viện Châu Âu thông qua ngày 25-10-2011 và áp dụng kể từ tháng 12-2011 nhằm điều chỉnh vấn đề thông tin đầy đủ và chi tiết các chất phụ gia trong thực phẩm dựa theo bộ luật bảo vệ người tiêu dùng.

Quy định này dành cho tất cả các nhà sản xuất cũng như cung cấp thực phẩm đến người tiêu dùng, trong đó cũng bao gồm các nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp buôn bán đồ ăn của người Việt định cư tại Đức.

Tuy nhiên, theo Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng (Verbraucherzentrale) cho biết, vẫn còn nhiều nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm tại Đức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo quy định này. Khá nhiều nhà hàng, quán ăn của người Việt sau khi bị kiểm tra vệ sinh thực phẩm đều phải thay đổi và in lại thực đơn cũng như bảng giá vì thiếu các thông tin phụ gia.

Các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm không hẳn là luôn độc hại với tất cả khách hàng, mà đối với một số người bị bệnh phải dùng thuốc hoặc không được ăn tinh bột, ăn nhiều đường, người bị dị ứng v.v… chúng sẽ gây nhiều phản ứng phụ, thậm chí có thể nguy hại đến tính mạng mà chúng ta không lường được. Nếu ghi chú rõ ràng, cả khách hàng lẫn chủ quán sẽ giảm được nhiều phiền phức không đáng có. Mức phạt dành cho chủ quán trong trường hợp không ghi chú đầy đủ các chất phụ gia là 30 ngày thu nhập netto 30 Tagessätze (tính từ mức thu nhập netto trung bình 1 ngày nhân với số ngày phạt, nhưng chỉ giới hạn từ 5-30.000 Euro).

Một số các chất phụ gia mà nhà hàng, quán ăn của người Việt cần lưu ý bao gồm: (1) Phẩm màu thực phẩm (Farbstoffe) – ví dụ có trong Coca Cola, Fanta, các loại kem, một số đồ ăn tráng miệng; (2) Chất gây ngọt (Süßstoff) – có trong Coca Cola, một số sốt chua ngọt đóng hộp; (3) Có chứa chất caffein (koffeinhaltig) – ví dụ trong Coca Cola; (4) Mì chính (Geschmacksverstärker/Glutamat) – có trong hầu hết các món; (5) Chất chống oxy hóa (Antioxidationsmittel) – có trong mỳ tôm, các món ăn liền đóng gói.

Ngoài ra, Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng còn cho biết, có khoảng 3% người lớn và 4% – 8% trẻ em bị dị ứng thực phẩm. Nếu ăn phải thứ không thích hợp, họ sẽ gặp các triệu chứng từ nhẹ như nổi mụn, ngứa, đến nặng hơn là khó thở, huyết áp tăng, rối loạn tuần hoàn máu, dẫn đến tình trạng nguy hiểm tính mạng. Vì thế các nhà hàng, quán ăn cần ghi chú các thành phần dễ gây dị ứng có trong món ăn khi chế biến như (6) bột mỳ, (7) hải sản, (8) sữa, (9) lạc và các loại hạt, (10) đậu nành, giá đỗ , (11) vừng, (12) mù tạt, (13) rau cần, (14) lưu huỳnh điôxit (Schwefeldioxid – có trong rượu, các loại Salat).

Mình Quân