Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Khủng bố ở Đức như bom nổ chậm

Hình minh họa: Trung Hiếu

TBVĐ- Theo Cơ quan an ninh tình báo Đức BfV (Bundesamt für Verfassungsschutz), Đức và châu Âu ngày càng bị đe dọa bởi nhóm cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” IS (Islamischer Staat ). Tại hội nghị tháng 05.2016  ở Berlin, BfV cho biết, tương lai chúng tôi phải tiếp tục phòng chống các tình huống khủng bố đe dọa phức tạp bởi nhiều nhóm với những mục đích khác nhau và có thể kéo dài nhiều ngày. Nguy cơ lớn như bom nổ chậm.

Nhóm thứ nhất là “Hit-Teams” làm việc theo chỉ thị, thi hành các cuộc khủng bố như ở Paris hoặc Brussels, nhóm thứ 2 gồm các cá nhân cực đoan, và nhóm Dschihad là mối hiểm họa thứ ba với những tên nằm vùng hoàn thành khóa đào tạo khủng bố, có cuộc sống bình thường, như doanh nhân hoặc cha trong gia đình, đang chờ lệnh thi hành các cuộc khủng bố. Nguy cơ từ cá nhân và các nhóm nhỏ tăng, mặc dù họ không nhận chỉ thị nhưng qua truyền bá rộng rãi trên Internet bị ảnh hưởng cực đoan ý thức hệ IS. Số Salafi ở Đức hiện là 8.350 người, tăng mạnh từ mức 7.900 người hồi tháng 09.2015, gấp đôi trong vòng bốn năm qua.

Người đứng đầu BfV, Hans-Georg Maaßen, cho biết “IS muốn thực hiện các vụ tấn công nhằm vào nước Đức và lợi ích Đức”, có thể bằng chất nổ, vũ khí chiến trường hay liều chết đánh bom tự sát, và hành động có chiến lược hơn các tổ chức khủng bố trước đây. Vì lý do này, Maaßen nhấn mạnh cần có sự hợp tác quốc tế lớn hơn giữa các cơ quan an ninh, “không thể áp dụng hình thức bảo vệ an ninh quốc gia để chống lại khủng bố toàn cầu được mà cần có mạng lưới quốc tế”.

Hàng ngày cơ quan tình báo Đức nhận được đến 4 nguồn tin khác nhau về các âm mưu lên kế hoạch tấn công khủng bố. Việc „phân lọc chính xác tin tức để có thể ngăn chặn các âm mưu này không phải dễ“. Maaßen cho là không  công  bằng,  khi  sau các cuộc tấn công Hồi giáo gần đây tại Paris và Brussels đòi hỏi trao đổi thông tin tốt hơn giữa các dịch vụ tình báo quốc tế nhưng lại chỉ trích khi điều này được thực hiện trên cơ sở luật pháp Đức. Nếu tình báo chỉ được trang bị với quyền hạn và nhân lực khiêm tốn thì chỉ có thể cung cấp kết quả giới hạn. Các quyền hạn của cơ quan an ninh không phải là một điều cấm kỵ hoặc chướng tai gai mắt. Ông hoan nghênh Peter Altmaier, lãnh đạo Văn phòng Nội các Đức, tuyên bố chính phủ sẽ làm tất cả để đảm bảo chính quyền có đủ nhân lực và phương tiện, cơ quan tình báo và các cơ quan an ninh sẽ hợp tác tốt hơn cũng như tăng cường việc trao đổi dữ liệu ở châu Âu.

Theo Maaßen, có tới 800 phần tử cực đoan người Đức đã đến Syria để tham gia tổ chức IS, tình nghi 260 đã trở về và 130 bị tiêu diệt tại Syria hoặc Iraq trong 20 vụ đánh bom tự sát. „IS có cấu trúc khủng bố gần giống như một tổ chức cai trị quốc gia, hoạt động trên toàn cầu và lợi dụng sự bất ổn của các nước tìm cách bành trướng“. Libya cũng có thể là một mối đe dọa nguy hiểm trong tương lai gần.

Maaßen chỉ trích phán quyết Tòa án Hiến pháp Liên bang thu hẹp quyền hạn cơ quan bảo vệ an ninh và cảnh báo: „Sửa đổi luật của Cục hình sự Liên bang BKA (Bundeskriminalamt) là cực kỳ có hại“, không đủ đáp ứng chống lại đe dọa của lực lượng dân quân khủng bố IS. Đức không còn đóng vai trò người quan sát mà „vì lợi ích quốc gia phải trực tiếp tham gia diệt trừ IS“. Nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công, BfV đang theo dõi 90 đền thờ Hồi giáo, đa số của cộng đồng nói tiếng Ả-Rập, chủ yếu những đối tượng tín đồ tự xưng là Iman hay Emir (danh hiệu quý tộc hoặc chức vụ cao quý của quan chức được sử dụng trong nhiều vùng ở các quốc gia Ả- Rập, nghĩa đen là người chỉ huy, tướng lãnh hay thân vương) tuyên truyền thánh chiến và chiêu mộ thành viên cho những vụ tấn công khủng bố.

Hiện nay tại sân bay Đức, kiểm tra an ninh và hiện diện của cảnh sát được tăng cường. Chẳng hạn ở phi trường Frankfurt, từng hành khách bay đến Dublin bị rà bằng máy quét cơ thể, sờ nắn túi quần bằng tay. Cảnh sát kiểm tra kỹ thang phi cơ trước khi hành khách được phép lên máy bay. „Chúng tôi không theo dõi người Hồi giáo ở Đức“, Maaßen nhấn mạnh. Ông cảnh báo không „vơ đũa cả nắm người theo chủ nghĩa cực đoan tôn giáo với người Hồi giáo“, Đức cần hợp tác với người Hồi giáo để có một „Liên minh chống lại chủ nghĩa cực đoan“.

Các cuộc tranh luận hiện nay về vị trí của đạo Hồi đang là „chủ đề thảo luận chính trị“ và không phải trách nhiệm của các cơ quan an ninh. Tuy nhiên, làn sóng tị nạn là „thách thức lớn“ với các cơ quan an ninh ở châu Âu, „một yếu tố thúc đẩy các cuộc tấn công của nhóm cực hữu làm méo mó xã hội dân chủ“, Maaßen nhận định. Ông lo lắng an toàn xã hội trong nước trở nên „căng thẳng“, đặc biệt trong nhóm thiên hữu và cánh hữu cực đoan, dưới bối cảnh các cuộc tranh luận về Hồi Giáo ở Đức liên quan đến đề nghị gần đây tại Đại hội đảng AfD về vấn đề theo dõi đền thờ Hồi giáo. Ông cũng bác bỏ yêu cầu bảo vệ an ninh bằng cách theo dõi hoạt động cánh cực hữu AfD và nhấn mạnh: „Nếu đảng AfD là cực đoan cũng sẽ bị xem xét như đối với mọi đảng chính trị khác“.

Ngày 02.05 tại hội nghị BfV ở Berlin thảo luận về mối đe dọa toàn cầu, nguy cơ ở Đức và chiến dịch chống khủng bố, Maaßen tuyên bố „chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và Jihad tại Đức không thể tồn tại nếu không có nước ngoài, không có Al-Qaeda và IS“. Nguy cơ một cuộc tấn công khủng bố ở Đức vẫn còn cao. Đức cũng bị đe dọa như như Pháp hay Bỉ, IS tìm cách thực hiện tấn công nếu có cơ hội.

Thiện Hường (tổng hợp)

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!