Sau backpacker, từ dùng để chỉ giới “Tây balô”, báo chí nước ngoài cũng sớm có cụm từ mới, beg-packer, ghép giữa từ ăn xin (beg) và balô (backpack) nhằm chỉ những du khách “xin tiền để chu du”.
Nếu Tây balô là “xách balô lên và đi”, thì với beg-packer, “khẩu hiệu” có lẽ là “ngửa tay ra và đi”. Dù có nhiều người bản địa động lòng và mở ví giúp, những người “du lịch kiểu ăn xin” đã nhận không ít chỉ trích từ chính những du khách phương Tây khác, dân địa phương và cả cộng đồng quốc tế.
Xu hướng mới?
Cuối tháng 5, mạng hỏi đáp trực tuyến Quora xuất hiện chủ đề thảo luận “Kể tên điều khó chịu nhất mà người nước ngoài làm trên đất nước của bạn”.
Một trong số các câu trả lời được bình chọn nhiều nhất là “ăn xin”, đến từ cô Nariswari Khairanisa Nurjaman người Indonesia.
Thực tế, theo trang news.com.au, ngày càng có nhiều du khách trẻ tuổi (có vẻ như) không một xu dính túi ngồi bên đường ở Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và cả Hong Kong nhằm xin người địa phương cho tiền để có thể tiếp tục du lịch.
Việt Nam cũng bắt đầu là điểm đến được dòm ngó với câu chuyện cô gái “ngồi thiền xin tiền” ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Người Đông Nam Á muốn du lịch đến Mỹ hay các quốc gia châu Âu thì phải chứng minh tài chính trong khi người Tây đến đây xin tiền không phải để mưu sinh mà là để vui chơi
Cô Ryn Jirenuwat (nhà sản xuất tin tức người Thái Lan)
Không chấp nhận được
Báo chí nước ngoài dùng những từ “vô trách nhiệm”, “không biết xấu hổ”, “lố bịch”, “ngu ngốc” và “quá đề cao bản thân và coi thường người khác” khi nói đến những người “ngửa tay lên và đi”.
Rủi ro trong du lịch như bị trộm cướp, mất hành lý hay hộ chiếu không phải là hiếm hoi, song thực tế có không ít du khách “beg-packer” xin tiền chỉ để… có thể tiếp tục đi du lịch.
Trong một bức ảnh được đưa lên Twitter, một cặp đôi người nước ngoài ngồi bên chiếc bìa cactông (trớ trêu thay lại đặt cạnh chiếc máy ảnh DSLR đắt tiền) với dòng chữ “Hãy giúp chúng tôi đi vòng quanh thế giới”.
Trong một bức ảnh khác, một người đàn ông giơ bảng với dòng chữ “Tôi đang đi vòng quanh châu Á mà không có tiền. Xin hãy ủng hộ chuyến đi của tôi”.
Những lời kêu gọi này trở nên nghịch nhĩ khi nó được đưa ra từ những người có điều kiện để du lịch nước ngoài khi họ đang ở những nước mà xuất ngoại là một điều xa xỉ với nhiều người.
“Làm sao họ có thể cho mình cái quyền ngồi bên vệ đường chìa tay xin người dân các nước đang phát triển quyên tiền để thỏa mãn sự hưởng thụ của chính họ, bất chấp thực tế họ có đủ điều kiện để ra khỏi biên giới nước mình?” – tác giả Ben Groundwater viết trên mạng du lịch Traveller (Úc).
Những người du lịch khắp nơi bằng tiền lợi dụng lòng tốt của người khác, khi trở về nhà có thể sẽ nhanh chóng khoe trên Facebook, blog bằng các bài kiểu “Vòng quanh Đông Nam Á không tốn một xu”.
Ông Groundwater cho rằng đây chẳng phải là thứ đáng tự hào mà là “lố bịch” khi khoe mẽ trong khi “bản thân phải dựa dẫm vào lòng quảng đại hào phóng của những người kém may mắn hơn”.
Không xin vẫn bị “ném đá”
Từ beg-packer được báo chí thế giới dùng để chỉ luôn cả những du khách kiếm tiền bằng cách biểu diễn nghệ thuật đường phố hay bán ảnh do chính mình chụp, chứ không phải chỉ ngồi không xin tiền.
Chuyện biểu diễn hay bán hàng để có tiền du lịch là chấp nhận được vì đó là quan hệ trao đổi – cho đi và nhận lại. Nhưng nếu người đến từ quốc gia phát triển làm thế ở một nước nghèo hơn thì lại là chuyện khác.
“Du khách Tây balô không nên biểu diễn (để có tiền du lịch) bên cạnh những người ăn xin (bản địa) nhiều ngày liền chưa được ăn bữa nào tử tế” – tờ Telegraph (Anh) viết.
Maisarah Abu Samah, một phụ nữ người Singapore, đã chụp hình các du khách ngồi bán bưu ảnh để có tiền du lịch ở đảo quốc này và gửi lên Twitter, kèm quan điểm cứng rắn rằng điều đó là không chấp nhận được.
“Những người làm chuyện đó phải là những người thật sự khó khăn, chẳng hạn như xin tiền để mua thức ăn, trả nợ hay đóng tiền học cho con, chứ không phải để làm điều xa xỉ là đi du lịch” - cô Samah viết.
Theo Telegraph, những khách du lịch ngồi bán hàng để kiếm tiền có thể xem đó là trải nghiệm lý thú, nhưng họ không nghĩ rằng họ có thể “lấy mất khách hàng” của những người hành khất khác, những người thật sự cần những đồng tiền ấy hơn họ rất nhiều”.
Có tiền hẵng đi Theo tác giả Groundwater trên Traveller, những người trẻ nếu muốn chu du thế giới cần hiểu rằng “nếu chưa đủ tiền cho chuyến đi vòng quanh một quốc gia Đông Nam Á đang phát triển, nghĩa là bạn chưa đến lúc để bắt đầu nghỉ mát đâu, hãy chờ thêm một chút”. Tác giả viết: khi đã tiêu hết tiền thì hãy trở về, tiếp tục làm việc thay vì ở lại “lấy mất số tiền từ thiện mà lẽ ra sẽ đến được với người cần chúng hơn, chỉ để uống thêm chút bia Lào hay có thêm một ngày đu đưa trên võng bên một bãi biển nào đó”. |
Theo Trường Sơn / tuoitre.vn