Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Kinh tế Đức gặp khó

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

Sản xuất tại Đức giảm, trong khi lạm phát lại tăng tốc do áp lực từ xung đột Ukraine và chính sách phong tỏa ở Trung Quốc.

Cơ quan Thống kê liên bang Đức hôm 6/5 cho biết sản lượng sản xuất nước này giảm 3,9% trong tháng 3 so với tháng trước đó, sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát và yếu tố mùa vụ. Đây là mức giảm tháng lớn nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Lĩnh vực ôtô dẫn đầu đà giảm, với sản lượng sụt 14% và hiện chỉ còn tương đương 63% so với trước đại dịch, theo Capital Economics. “Chúng tôi nghĩ rằng đây là sự khởi đầu của sụt giảm sản xuất, có khả năng kéo toàn bộ nền kinh tế vào suy thoái”, Andrew Kenningham, Nhà kinh tế của Capital Economics, nhận định.

Bayerische Motoren Werke trong tuần này báo cáo sản xuất trong ba tháng đầu năm giảm 19% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân là sự tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu của các linh kiện, cũng như việc phong tỏa ở Trung Quốc. BMW cho biết lượng bán ra giảm khoảng 9% ở Trung Quốc trong quý I, nhưng tăng khoảng 4% ở Mỹ so với quý I/2021.

Các nhà sản xuất của Đức phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong những tháng tới, khi Liên minh châu Âu hạn chế nhập khẩu năng lượng Nga và Ngân hàng Trung ương châu Âu chuẩn bị tăng lãi suất. Đơn đặt hàng của Đức khá mạnh vào đầu năm, nhưng bắt đầu giảm kể từ đó.

 

Theo cuộc khảo sát gần đây của tổ chức IFO có trụ sở tại Munich, gần 80% công ty công nghiệp Đức đang phàn nàn về sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và khó khăn khi mua nguyên liệu thô. Con số này hiện ở gần mức cao kỷ lục. “Chúng tôi dự báo môi trường thị trường đầy thách thức ở Trung Quốc đại lục sẽ còn kéo dài”, Giám đốc điều hành Adidas Kasper Rorsted cho biết hôm 6/5.

Nhà sản xuất đồ thể thao này tiết lộ doanh thu tại Trung Quốc đã giảm 35% trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ 2021, do thị trường gặp khó bởi việc phong tỏa. Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty cũng giảm, chủ yếu do chi phí tìm nguồn cung và vận tải hàng hóa tăng đáng kể.

Trong khi đó, lạm phát tăng vọt đang khiến người tiêu dùng lo ngại. Mức độ lạc quan vào nền kinh tế đã giảm xuống mức thấp lịch sử, theo một cuộc khảo sát cuối tháng trước của Viện GFK. Lạm phát của Đức đạt 7,4% vào tháng 4 – cao nhất kể từ năm 1981.

Cơ quan thống kê liên bang Đức cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng trưởng 0,2% trong ba tháng đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 0,9% so với trước đại dịch. Chính phủ Đức gần đây hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 xuống 2,2%, thấp hơn mức 3,6% mà họ đưa ra vào tháng 1, do khủng hoảng Ukraine và tác động nó đối với lạm phát.

Phiên An (theo WSJ)

Nguồn: vnexpress.net