Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Một chút “Chùa hương” vào ngày xuân ở Đức

Một buổi khóa lễ ở chùa Phước Nghiêm. Ảnh: Chí Vỹ

TBVĐ- Từ lâu nay những ngôi Chùa đã theo chân những người con xa xứ trên quê hương thứ hai của mình.

“ Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ Tông“

Ta đã từng nghe đâu đó một câu thơ như thế. Tưởng như chỉ có trong văn chương âm nhạc. Thế nhưng ở Đức cũng như nhiều nước ở châu Âu và Mỹ, tết đến xuân về những người con Việt xa quê đã tìm được chút hồn dân tộc nơi những ngôi Chùa.

Từ đầu năm dương lịch, các chùa đã làm lễ cầu cho quốc thái dân an. Đến những ngày cuối năm. Nhiều chùa đã có lịch cho bà con phật tử tập trung cùng nhau gói bánh chưng đón tết. Nói đến tết thì người Việt không thể không nhớ đến nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng. Cảnh mẹ chợ về với những thứ chuẩn bị cho một cái tết bao giờ cũng là nỗi nhớ nhiều nhất trong mỗi đứa con xa.

Ở Việt Nam, tết đến nhà cửa được dọn dẹp tinh tươm, trang hoàng rất đẹp. Bàn thờ lau dọn sạch sẽ và người già trong gia đình sẽ rút tỉa bớt chân hương. Việc mà mỗi năm chỉ được phép làm một lần thôi, đấy là vào những ngày giáp tết sau lễ ông Công ông Táo đến trước giao thừa. Bình thường người ta lau dọn trước đấy mấy ngày chứ chẳng ai đợi đến giao thừa mới làm việc đó.

Bàn thờ lau xong, mâm ngũ quả sẽ được bày lên, đủ các màu các loại tượng trưng cho sản vật từng vùng miền dâng lên tiên tổ, thần linh vào ngày tết.

Đến phần quan trọng nhất chính là gói bánh. Chờ mẹ chợ về mua đầy đủ, mọi thứ được chuẩn bị từ đêm trước như ngâm nếp, chẻ lạt. Hôm sau người đồ đỗ, người thái thịt mỡ, bóc hành và quan trọng không kém là người rửa lá bánh. Những chiếc lá dong màu xanh biếc được cẩn thận rửa rồi lau khô xếp thành chồng. Phần cuối cùng quan trọng nhất là gói bánh. Công việc nhộn nhịp mà háo hức nhất vào cuối năm.

Xa quê nhà tưởng đâu mọi thứ đã lùi vào dĩ vãng. Bánh ăn chả đáng bao nhiêu, vài ngày tết mau qua nơi xứ người vì không có không gian tết nên phần lớn đều mua bánh cho nhanh. Tuy vậy lòng vẫn không thôi nhớ không khí tết qua nồi bánh chưng thuở ấu thơ nơi quê nhà. Thật may những năm gần đây nhiều ngôi chùa đã tổ chức cho bà con gói bánh. Và ở Chùa mọi công đoạn cũng y như xưa vậy.

Chúng tôi và các bạn đạo có mặt ở Thiền Viện Pháp Quang vào chiều thứ bảy, ngày 26 tết vì giao thừa vào hôm thứ năm, mọi người đều bận đi làm. Tất niên phần lớn mọi người đều ở nhà nên cuối tuần Thiền Viện tổ chức gói bánh, thật là hợp lý.

Khác với ở nhà, chùa hay Thiền viện chỉ gói bánh chay nhưng trừ món thịt ra mọi thủ tục đều giống nhau. Bánh gói xong được cho vào nồi và thú bị không kém là canh nồi luộc bánh cho đến khi chín và vớt ra. Thấp thỏm đợi chờ xong đã là ba giờ sáng.

Đêm cơm nước xong xuôi, bên ngoài nồi bánh chưng sôi lục bục, trong nhà thiện nam tín nữ quây quần bên nhau trò chuyện trà đàm, bình thơ, nghe nhạc. Không khí thật đầm ấm vô cùng.

Chuẩn bị lên khóa lễ ở chùa Phước Nghiêm. Ảnh: Chí Vỹ

Từ lâu nay những ngôi Chùa đã theo chân những người con xa xứ trên quê hương thứ hai của mình. Ngày rằm mồng một, thiện nam tín nữ thường về chùa để tụng kinh niệm Phật đã đành. Ngày thường khi có việc bà con tín Phật cũng đến chùa để hỏi han một số vấn đề bí bách trong gia đình và cuộc sống xa quê cũng như những thắc mắc về chuyện tâm linh. Rồi khi cha mẹ, người thân qua đời hay đứa con không may chẳng được sinh ra họ cũng lại nương nhờ vào các Sư Thầy và Chùa để cầu siêu cho các hương linh được siêu sinh tịnh độ.

Khác với ở Việt Nam, hầu hết đầu năm mới, người ta đi Chùa rất đông để cầu an cho người sống và cầu siêu cho người đã khuất. Còn một mục đích nữa là cầu Phật độ cho được thứ này thứ nọ trong năm mới mà mỗi người một nguyện ước khác nhau. Trong đó sức khỏe được cầu xin nhiều nhất rồi đến tài lộc và học hành đỗ đạt.

Bên ngoài chùa Phước Nghiêm ở Leipzig. Ảnh: Chí Vỹ

Ở Đức cũng không khác nhiều về những điều cầu ước khi đến Chùa nhưng hay hơn là các Tăng, Ni sư đã dùng cơ hội này để giảng pháp cho quí Phật tử. Kho tàng Phật Pháp lớn vô cùng nhưng người đời về cơ bản không chú tâm tìm hiểu đã đành mà muốn hiểu cũng không phải dễ dàng, cơ bản Phật Pháp thường dùng từ hán ngữ. Không phải ai nghe cũng hiểu, rào cản này khiến cho nhiều người không đến được với kho tàng Phật Pháp quý báu này.

Biết vậy, các Tăng sư và Ni sư trụ trì các Chùa đã nỗ lực truyền bá giảng giải cho quí Phật tử. Vào những dịp đi Chùa đầu năm cũng như vào các ngày lễ trọng của Đạo Phật như lễ “ Phật Đản” tức ngày Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh. Lễ “Vu Lan “ là lễ báo hiếu cha mẹ gia đình, rộng lớn hơn là Tổ Tông, Đất Nước. Đầu năm có lễ “Thượng Nguyên”, là lễ cầu an đầu năm mới. Những ngày lễ lớn này, các Chùa tổ chức rất lớn vì nhu cầu đến Chùa của bà con ngày càng nhiều. Tâm hướng Phật cũng cao hơn khi tuổi đời ngày một dài thêm.

Những dịp này các chư Tăng, Ni là các giảng sư từ Việt Nam hay Ấn Độ qua. Lịch đi Hoằng Pháp của các Thầy thường kín hết, nhiều khi cả ngày thường các Thầy cũng được mời về giảng và Phật tử vẫn rất đông. Vài năm gần đây còn có cả các đoàn ca sĩ đi hát cúng dường vào những dịp lễ trọng này, khiến cho người đến Chùa ngày càng đông.

Có mặt từ hơn hai ngàn năm ở Việt Nam và là một tôn giáo không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Xa quê, sinh sống ở nơi nào họ mang theo tinh thần, tín ngưỡng của cha ông mình đến nơi đấy. Theo thời gian mà phát triển, những ngôi Chùa Việt đang từng bước đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh, tinh thần của những người con Việt xa quê.

Hình ảnh mái chùa cổ kính trầm mặc, thấp thoáng dưới những bóng cây cổ thụ đã trở thành biểu tượng đẹp cho văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đó là chốn tôn nghiêm, nơi hội tụ những tinh hoa của Phật pháp; nơi ngự trị của những giá trị tinh thần thiêng liêng hướng về thế giới tâm linh. Ở nước Đức và châu Âu không có lũy tre ngà hay bóng cây cổ thụ nhưng Chùa Việt vẫn được dựng lên trên nhiều thành phố có người Việt Nam sinh sống. Đáp ứng nhu cầu tĩn ngưỡng và tình cảm của người con Việt xa quê.

Thiên Nga