Mối giao thương lên đến 1,2 tỉ USD mỗi năm giữa Mỹ và EU đang đứng trước bờ vực của một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Tư (4-7) đã cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngăn cản việc tháo gỡ ngòi nổ một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện sau khi ông Trump đe dọa sẽ áp thuế mạnh tay với ô tô nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Nhôm, thép chưa xong lại đến ô tô
Hãng tin AFP dẫn bài phát biểu của bà Merkel tại Quốc hội Đức trước những nhà lập pháp của nước này. Theo đó, bà Merkel cho rằng cả Mỹ và EU đã bị khóa chặt vào một cuộc xung đột thương mại kể từ khi ông Trump quyết định đánh thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ EU. Đồng thời, các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề thuế của Mỹ có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi Mỹ đang nhắm vào ngành công nghiệp ô tô.
Hôm Chủ nhật tuần trước, ông Trump cáo buộc EU “có thể cũng tồi tệ như Trung Quốc”, nhắc lại Nhà Trắng đang tính phương án đánh thuế 20% với ô tô nhập khẩu từ EU.
“Những gì đang diễn ra cho thấy biểu hiện của một cuộc xung đột thương mại, tôi không muốn dùng những từ ngữ xa hơn để nói về tình trạng hiện nay” – bà Merkel nói, hàm ý về một cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra trong tương lai. “Việc ngăn chặn xung đột này trở thành chiến tranh thương mại là điều rất cần thiết” – bà Merkel khẳng định. Nữ thủ tướng cho rằng cả hai phía, EU lẫn Mỹ, buộc phải cùng nhau thực hiện các bước đi cần thiết.
Doanh nghiệp sản xuất ô tô hàng đầu Đức và thế giới BMW, trong một lá thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, đã nói rằng các mức thuế hiện nay và tương lai sẽ làm ảnh hưởng đến dòng đầu tư và công ăn việc làm tại Mỹ. Doanh nghiệp này sở hữu một nhà máy lên đến 10.000 nhân công ở miền Nam Carolina. Không chỉ BMW, các doanh nghiệp khác cũng cảnh báo mức thuế của Mỹ với ngành ô tô sẽ làm tổn thương cả hai bên.
Theo công bố của EU, Mỹ có thể sẽ chịu một mức thuế lên đến 300 tỉ USD từ lệnh trả đũa của các đối tác thương mại toàn cầu nếu nước này một mực đánh thuế ngành ô tô.
Nỗi lo cuộc chiến thương mại toàn diện
Tổng thống Trump lâu nay cho rằng EU, mà trong đó có cường quốc kinh tế số một châu Âu là Đức, đang nắm giữ thặng dư thương mại rất lớn trong cán cân giao thương với Mỹ.
Bà Merkel bác bỏ luận điểm này của ông Trump, cho rằng Mỹ tính toán “sai lầm” vì chỉ dựa vào thương phẩm mà không tính toán đến các lĩnh vực dịch vụ. “Nếu tính luôn lĩnh vực dịch vụ vào quan hệ thương mại song phương, ví dụ như dịch vụ kỹ thuật số, thì Mỹ đang sở hữu một bảng cân đối thương mại hoàn toàn khác, cho thấy Mỹ đang nắm giữ thặng dư trong quan hệ với EU” – bà Merkel nói.
Sự bất ổn gây ra bởi các cuộc xung đột thương mại phức tạp đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu vốn đang được phục hồi.
(Theo Tổ chức Thương mại Thế giới – WTO)
Bà Merkel khẳng định “việc tính toán cán cân thương mại, chỉ bao gồm thương phẩm mà không tính đến các dịch vụ, đã trở nên lỗi thời”. Nữ thủ tướng cũng từng lên tiếng ủng hộ việc đánh thuế vào dịch vụ kỹ thuật số, nhắm vào các công ty đa quốc gia như Amazon, Facebook hoặc Google, nhưng công ty đã chuyển thu nhập “vòng quanh EU” để chỉ phải trả những mức thuế thấp hơn. Nhưng EU không đạt được đồng thuận về đề xuất này bởi một số quốc gia như Luxembourg hay Ireland bày tỏ lo lắng: Nếu các gã khổng lồ công nghệ này sẽ vì áp lực thuế mà bỏ đi.
Đáp lại lệnh đánh thuế nhôm, thép của ông Trump tháng trước, EU quyết định đánh thuế vào một số mặt hàng của Mỹ như một biểu tượng bày tỏ phản đối của khối này với hành động của Mỹ. Khi mâu thuẫn giữa Mỹ và EU về thương mại chưa có dấu hiệu xuống thang, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker dự kiến sẽ đến Washington vào cuối tháng 7 này để tìm kiếm giải pháp thoát khỏi cuộc xung đột.
Tuy nhiên, trước khi các cuộc đàm phán song phương diễn ra, Ủy viên Ngân sách EU Guenther Oettinger bày tỏ sự bi quan. “Tình thế hiện nay sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại” – ông Oettinger nói tại một diễn đàn kinh tế diễn ra ở Munich.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sự leo thang căng thẳng liên tục hiện nay đang đe dọa nghiêm trọng sự tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế tất cả các nước thuộc khối G20. “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 thể hiện sự kiềm chế trong việc áp dụng các biện pháp mới (nhằm trả đũa thương mại lẫn nhau) và khẩn trương xuống thang căng thẳng” – ông Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc WTO, lên tiếng.
Theo Thùy Anh / plo.vn