Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nắng nóng châu Âu là ‘lời cảnh báo từ địa ngục’

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Nắng nóng hoành hành từ Tây Ban Nha tới Hy Lạp là lời cảnh báo cho thấy biến đổi khí hậu không còn là vấn đề mà châu Âu có thể làm ngơ.

Bản đồ thời tiết ở các nước Nam Âu những ngày qua vẫn duy trì màu đỏ đậm, khi nhiệt độ tăng vọt trên 40 độ C ở nhiều nơi, thậm chí gần 50 độ C ở Sicily và Sardinia, Italy. Nhiệt độ ban đêm ở Madrid thường xuyên duy trì trên 25 độ C, khiến thành phố này giống như ở một quốc gia vùng xích đạo.

Tháng 6 là tháng nóng nhất trong 120.000 năm qua trên Trái Đất, còn tuần nóng nhất lịch sử diễn ra vào đầu tháng 7. “Nắng nóng kéo dài cực kỳ nguy hiểm” là hình thái thời tiết trong vài tuần qua ở khu vực bắc bán cầu.

Tờ Guardian cho rằng đợt nắng nóng ở châu Âu là “lời cảnh báo từ Hades”. Hades là thần cai quản địa ngục trong thần thoại Hy Lạp, nơi có chó ngao ba đầu Cerberus và người lái đò Charon đưa linh hồn người chết qua sông tới địa phủ.

Cerberus và Charon cũng được dùng để đặt tên cho hai đợt sóng nhiệt liên tiếp nhau, đẩy nền nhiệt nhiều nơi ở châu Âu lên mức cao chưa từng thấy.

Nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt đang tàn phá nhiều vùng ở Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện tướng nóng lên toàn cầu không phải lời giải thích duy nhất cho tác động khủng khiếp của hai đợt nắng nóng Cerberus và Charon.

Giống năm 2016, năm nóng nhất từng được ghi nhận, hiện tượng El Nino đang khiến nhiệt độ Trái Đất tăng nhanh. Nhưng mỗi khi hiện tượng này tái diễn, nhiệt độ trung bình toàn cầu thường tăng thêm 0,2 độ C và tiếp tục nung nóng hành tinh vốn đã nóng hơn do khí thải nhà kính.

Trái Đất càng nóng thì nguy cơ xảy ra xảy ra các sự kiện thời tiết cực đoan được càng cao. Tại châu Âu, rãnh áp cao ở khu vực phía nam đang bao trùm khu vực trong một vòm nhiệt, trong khi nhiệt độ cao bất thường ở bề mặt Địa Trung Hải khiến khí nóng luẩn quẩn trên đất liền.

Tổ chức Khí tượng Thế giới nhận định đợt nắng nóng Cerberus đẩy châu Âu vào tình huống khó lường. Một số nhà khoa học dự đoán trong năm nay hoặc năm sau, nhiệt độ toàn cầu có thể vượt ngưỡng tăng 1,5 độ C mà Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPPC) đề ra.

Vượt qua ngưỡng này, hàng loạt vấn đề nghiêm trọng chắc chắn sẽ xảy ra như di cư hàng loạt, mất mùa, giá lương thực tăng vọt do thời tiết khắc nghiệt, dẫn đến nhiều tổn thất về người.

Các bình luận viên của Guardian nhận định trước những thách thức này, các chính trị gia châu Âu lại cho thấy sự thờ ơ và chậm chạp đáng báo động.

Tuần trước, một phần cốt lõi trong thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu được thông qua với tỷ lệ sít sao, khi các nước đang chú trọng hơn vào xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng, cùng bóng ma suy thoái kinh tế, thay vì kiên trì với mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tiến bộ mà châu Âu đạt được trong những lĩnh vực then chốt để đạt mục tiêu khí hậu như giao thông, lối sống và nông nghiệp, tiến độ vẫn còn quá chậm chạp.

Tại Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và những nơi khác, cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc cấp tiến đang biến chương trình nghị sự xanh thành chủ đề tranh cãi. Ở Anh, tình trạng khẩn cấp khí hậu không phải ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Rishi Sunak.

Đợt sóng nhiệt Cerberus và Charon là những lời nhắc nhở hùng hồn rằng châu Âu không thể trì hoãn giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu để ưu tiên cho những khủng hoảng khác. “Châu Âu đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ lục địa nào, trong khi các lãnh đạo chính trị lại phản ứng quá chậm và thời gian không còn nhiều”, bài bình luận của Guardian có đoạn.

Hồng Hạnh (Theo Guardian)

Nguồn: vnexpress.net