Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Người canh giữ “linh hồn quê hương” ở Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

Người Việt tính đến nay đã qua nhiều thập kỷ tại Đức. Họ trở thành một trong những cộng đồng hội nhập thành công nhất được chính người Đức vui cười công nhận. Ấy thế nhưng, điều đáng trân quý không phải chỉ nằm ở chỗ họ trở thành những “công dân Đức” đóng góp cho nước Đức, mà còn ở chỗ họ gìn giữ được rất nhiều tinh túy của quê hương nơi họ “chôn nhau cắt rốn”.

Loạt bài viết “muôn nẻo mưu sinh” phần nào mô tả lại thần thái của người Việt ở trời đất Âu Châu: cần lao, khéo tay và chịu thương chịu khó. Từng món ăn họ nấu, từng bó hoa họ làm, v.v. để bày bán đều mang bóng dáng của một miền đất xa xôi nơi tổ tiên họ sinh thành, phát triển. Ngày Tết đến, dù cách hay bai bờ đại dương xa xôi nhưng cái bánh chưng, tô canh mướp đắng, v.v. để cùng chung vui; hay những bài hát, những giai điệu họ chọn để trình bày vào ngày lễ hội cũng khiến kẻ sắt đá nhất cũng phải mềm lòng rồi nhớ về miền Việt Nam xa xôi, nơi họ từng gắn bó với biết bao kỷ niệm.

Đó chưa phải là tất cả! Có những người còn mang những nét văn hóa đặc trưng từ Việt Nam sang Đức để giữ gìn, phát triển và lan tỏa. Đó là cô may áo dài nổi tiếng khắp Berlin và nước Đức, với những đường kim mũi chỉ khiến bao nhiêu người yêu thích. Đó là chàng thanh niên mang võ cổ truyền Việt Nam sang Đức gầy dựng võ đường, khiến không chỉ người Việt mà cả người Đức đều trầm trồ, ngưỡng mộ và “tầm sư học đạo”. Hai trong số rất nhiều ví dụ đó cho thấy người Việt tại Đức, ngoài việc cố gắng hòa nhập vào một môi trường xã hội “ngày càng khắc nghiệt” về cạnh tranh, cũng không quên giữ gìn những vẻ đẹp tinh thần – mà chúng tôi gọi đó là “linh hồn quê hương”. Thậm chí với tài năng, sự ham học hỏi và tinh thần vượt khó, họ còn biến vẻ đẹp của quê hương thành lợi thế để có thể vừa lan tỏa hình ảnh người Việt đến khắp nơi, vừa có được một cuộc sống sung túc.

Cuộc sống vốn đã không dễ dàng, lại càng trở nên khó khăn giữa một nước Đức nhiều màu da, nhiều tiếng nói. Giữa bộn bề lo toan, giữa vô số màu sắc, âm thanh và hơi thở, gìn giữ được linh hồn của quê hương quả thật ngày càng khó khăn trăm thứ. Thế nhưng chúng ta vẫn có quyền đợi chờ và kỳ vọng vào thế hệ một rưỡi – những thanh niên sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Đức; thế hệ thứ hai, thứ ba hay sau đó nữa – những em được sinh ra và trưởng thành tại Đức. Họ vốn thừa hưởng tất cả sự khéo léo, cần cù, chịu khó và thông minh của tổ tiên; lại được nhận một nền giáo dục tiên tiến, có thể giúp họ đủ bản lĩnh để nhận ra và tiếp tục gìn giữ những nét đẹp của quê hươn bằng cách riêng của họ.

Chưa bao giờ người ta trở nên kỳ vọng vào một hình ảnh Việt Nam “rất khác” tại Đức như lúc này. Một Việt Nam không phải nhìn qua bên kia đại dương mới thấy, mà là một Việt Nam ở Berlin, Leipzig, Erfurt, Frankfurt hay bất kể nơi nào trên nước Đức này.

Nơi nào có người Việt sinh sống, chúng tôi tin rằng sẽ có những người “canh giữ linh hồn quê hương” tại nước Đức giàu đẹp này!

Thời báo Việt Đức