Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Người giàu Mỹ chạy đua có ‘hộ chiếu vàng’ EU trước khi hết lượt

Ảnh minh họa: pixabay.com

Trong bối cảnh lạm phát và tình hình xã hội, chính trị trong nước bất ổn, giới siêu giàu ở Mỹ ngày càng quan tâm đến các chương trình thị thực đầu tư như “hộ chiếu vàng” ở châu Âu.

Theo báo cáo USA Wealth Report năm 2023 ngày 16-2 của công ty tư vấn di cư nhờ đầu tư Henley & Partners (Anh quốc), người Mỹ đang nộp đơn xin “hộ chiếu vàng” và “thị thực vàng” nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Trước đây, các chương trình này thường được quan tâm nhiều nhất bởi những người có quốc tịch Trung Quốc và Nga.

“Hộ chiếu vàng” được hiểu là một cách sở hữu hộ chiếu của một quốc gia thông qua các chương trình đầu tư, người nước ngoài sẽ có tư cách công dân khi đầu tư vào quốc gia này với một số tiền nhất định, thường là đầu tư vào bất động sản.

“Thị thực vàng” là một hình thức khác tương tự nhưng chỉ cho phép người sở hữu có quyền cư trú tạm thời, khác với quyền công dân vĩnh viễn.

Trong báo cáo USA Wealth Report, chuyên gia đầu tư toàn cầu Jeff D. Opdyke cho rằng việc lo ngại cuộc sống tương lai giữa bối cảnh lạm phát, bất ổn xã hội – chính trị và tầng lớp trung lưu ở Mỹ ngày càng ít đi khiến số lượng người có thu nhập cao ở quốc gia này muốn định cư ở nước ngoài tăng kỷ lục.

“Chúng tôi xem những chương trình này như các chính sách bảo hiểm”, ông Ezzedeen Soleima, đối tác quản lý của Latitude Residency & Citizenship – công ty cung cấp giải pháp định cư, nói với trang Bussiness Insider. “Một số tỉ phú đến hỏi chúng tôi về nơi sống tốt nhất khi xảy ra thảm họa khí hậu, hoặc khi có bão, hoặc khi có một đại dịch nữa xảy ra”.

Đối với giới siêu giàu, tài sản có giá trị nhất mà tiền có thể mua được có lẽ không phải là siêu du thuyền hay máy bay riêng, mà là hộ chiếu. Tuy vậy, giới siêu giàu Mỹ không còn nhiều lựa chọn trong việc có hộ chiếu châu Âu.

Hôm 16-2, Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa đã quyết định ngừng tiếp nhận đăng ký mới cho chương trình “thị thực vàng”, nhằm “chống đầu cơ đẩy giá bất động sản” trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với khủng hoảng nhà ở.

Công ty Henley & Partners xếp hạng chương trình thị thực của Bồ Đào Nha là chương trình phổ biến nhất đối với các khách hàng Mỹ.

Trước đó ba ngày, Ireland đã ngừng chương trình “thị thực vàng”. Theo báo Irish Times, trong năm 2022 quốc gia này ghi nhận 282 trong tổng số 306 đơn xin thị thực đến từ người có quốc tịch Trung Quốc, và chỉ 10 hồ sơ là của người Mỹ.

Theo Ủy ban châu Âu, đảo quốc Malta là quốc gia châu Âu duy nhất đến thời điểm này vẫn có các chương trình đầu tư cấp quốc tịch. 

Người đứng đầu khu vực Bắc Mỹ của Henley & Partners, ông Mehdi Kadiri cho biết “hộ chiếu vàng” của Malta là chương trình được người Mỹ tìm kiếm nhiều thứ hai, một phần vì chương trình này có thể tiếp cận thông qua đầu tư bất động sản.

Để nhận được quyền công dân thông qua chương trình “hộ chiếu vàng” của Malta, người nộp đơn phải đầu tư từ 590.000 euro đến 740.000 euro (từ hơn 630.000 đến 790.000 USD tùy thuộc vào thời gian đã cư trú ở quốc gia này nhiều hay ít hơn 36 tháng); mua bất động sản trị giá ít nhất 700.000 euro (xấp xỉ 750.000 USD) hoặc trả tiền thuê ít nhất 16.000 euro (hơn 17.000 USD) mỗi năm (trong 5 năm); quyên góp thêm 10.000 euro (hơn 10.600 USD) và trả tổng cộng 26.500 euro (hơn 28.000 USD) tiền đặt cọc không hoàn lại cùng các loại phí.

Trở thành công dân châu Âu nhờ thị thực tại các quốc gia như Malta cho phép người sở hữu được hưởng nhiều đặc quyền, bao gồm di chuyển tự do giữa 27 quốc gia trong khối, quyền bầu cử và cơ hội tiếp cận thị trường nội bộ châu Âu.

Chương trình của Malta, vốn đã dính nhiều bê bối, đã thu hút những nhà đầu tư tỉ phú ở Thung lũng Silicon.

Tháng 9-2022, Ủy ban châu Âu đã đưa Chính phủ Malta ra Tòa án Tư pháp EU với cáo buộc chương trình thị thực của đảo quốc này gây nguy cơ an ninh cho toàn khối.

Chiến sự Nga – Ukraine nổ ra cũng khiến cho các chương trình đầu tư di cư này bị giám sát đặc biệt vì tạo điều kiện cho nhiều tài phiệt đang chịu lệnh trừng phạt tiếp cận thị trường Anh.

Từ các vấn đề trên, chương trình thị thực đầu tư của các quốc gia như Anh, Bulgaria và Cyprus đã buộc phải ngừng lại. Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu kiên quyết từ EU, Malta cho đến nay vẫn theo đuổi chính sách này.

Theo Nghi Vũ / tuoitre.vn