TBVĐ- Đức vốn luôn tự hào là nền kinh tế lớn mạnh nhất châu Âu nhưng có nghịch lý đang tồn tại là nhiều người đi làm cả cuộc đời mà đến khi về hưu vẫn phải xin thêm tiền trợ cấp.
Hệ thống hưởng lương hưu theo luật pháp tại Đức liên quan chặt chẽ đến thời kỳ đóng góp lao động và thu nhập của mỗi cá thể. Người nào từng có công việc ổn định, mức lương cao thì thường cũng được hưởng mức hưu cao.
Những người có thu nhập thấp trong một khoảng thời gian dài hoặc vì bệnh tật, vì thất nghiệp, các lý do riêng tư trong gia đình hay vì tự hành nghề mà không đóng góp vào bảo hiểm hưu trí nhà nước thì mức lương hưu cũng thấp hơn.
Nếu lương hưu không đủ để trang trải mọi sinh hoạt cuộc sống thì nhà nước Đức sẽ trợ cấp thêm, gọi là trợ cấp đảm bảo mức sống cơ bản (tiếng Đức là “Grundsicherung”).
Theo thông báo của Cục Thống Kê Liên Bang thì vào năm 2018, có khoảng 550.000 người phải xin trợ cấp này. Người hưởng hưu phải đệ đơn và công khai chứng minh mọi khoản chi phí, thu nhập cũng như tài sản mình sở hữu. Một số ví dụ tính mức lương hưu từ thu nhập của người lao động cho thấy:
Một người đã từng cống hiến sức lao động 45 năm ở khu vực Tây Đức, đóng bảo hiểm hưu trí đều đặn và thường có mức thu nhập chỉ bằng một nửa mức thu nhập trung bình phải đóng bảo hiểm hưu trí (năm 2019 mức lương này vào khoảng 621 Euro/tháng), thì khi về nghỉ hưu sẽ nhận 721 Euro/ tháng (theo mức thống kê vào tháng 3-2019). Người lao động hưởng lương chỉ ở mức tối thiểu (năm 2019 là 9,19 Euro/giờ) thì mức lương hưu trí hiện còn thấp hơn so với mức nêu trên.
Người lao động tại vùng Đông Đức với mức thu nhập thấp cũng không nhận mức lương hưu cao hơn.
Thậm chí nhiều người đi làm cả cuộc đời mà đến khi về hưu vẫn phải xin thêm tiền trợ cấp, bởi mức thu nhập đủ cao để không phải xin trợ cấp hiện phải từ 800 Euro/tháng trở lên – nhưng khoản tiền này không hề nhỏ.
Bình Minh