LTS. Cuối tháng 06.2017, cộng đồng mạng đã chia sẻ rộng rãi trên Facebook đoạn Video gây sốc, trong đó hai nhân viên soát vé dùng bạo lực kéo người thanh niên da đen ra khỏi tàu, khi anh này vẫn cố bám vào thanh sắt. Khi bị kiểm tra, người thanh niên bị phát hiện trốn vé tàu.
TBVĐ- Nhân viên soát vé có thể „bắt giữ tạm thời“ hành khách trốn vé, nhưng không được làm bị thương họ.
Nhiều người bất bình trước cách cư xử thiếu lịch sự của hai nhân viên và cho rằng hành vi đó xâm phạm nhân quyền và thân thể của người khác. Câu hỏi được đặt ra: Nhân viên soát vé hoặc nhân viên an ninh có được phép hành động như vậy với người trốn vé không?
Hậu quả khi trốn vé
Thông thường, hành vi trốn vé sẽ bị phạt hành chính. Nếu trốn vé nhiều lần có thể bị phạt tù đến một năm. Khi kiểm tra, nhân viên an ninh hay người soát vé chỉ được phép kiểm tra vé tàu mà không được phép hỏi chứng minh thư, quyền lợi này chỉ thuộc về cảnh sát.
Nhân viên soát vé có được phép cưỡng chế khi người trốn vé từ chối xuống xe?
Về cơ bản, khi hành khách từ chối trình giấy tờ, nhân viên soát vé có quyền „bắt giữ tạm thời“. Tuy nhiên, việc bắt giữ phải phù hợp và không được phép sử dụng bất cứ phương tiện bắt giữ nào. Nếu người trốn vé có hành vi chạy trốn, nhân viên có quyền đuổi theo để bắt lại.
Đâu là giới hạn cho các nhân viên soát vé?
Điều này phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp đều đảm bảo nguyên tắc không được làm bị thương người khác.
Có nên can thiệp khi chứng kiến cảnh nhân viên soát vé dùng bạo lực?
Điều này rất khó trả lời. Nếu cản trở việc bắt giữ, người chứng kiến có thể bị truy tố vì tội cản trở người thi hành công vụ. Nhưng nếu thờ ơ, cũng có thể bị truy tố vì tội không ngăn cản hành vi bạo lực. Trong trường hợp cần thiết, người xem có quyền can thiệp hành vi bạo lực khi cho rằng hành động đó có thể làm bị thương người khác.
Uyên Linh