Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đức có Chủ tịch quốc hội mới, đảng cực hữu bị tẩy chay

Ảnh minh họa: pixabay.com

Trong buổi khai mạc của Quốc hội Đức, ông Wolfgang Schaeuble cựu Bộ trưởng Tài chính Đức đã được bầu trở thành Chủ tịch Quốc hội Đức. Buổi khai mạc diễn ra khá sôi động, dù có thể sẽ phải mất hàng tháng đàm phán nữa mới thành lập được chính phủ.

Ông Wolfgang Schaeuble, một đồng minh quan trọng của Thủ tướng Angela Merkel còn nói rằng các nghị sĩ cần phải có phong thái và hành động nghiêm túc khi họp quốc hội, một hành động được xem là “nhắc khéo” các nghị sĩ của Đảng cực hữu Sự lựa chọn khác của nước Đức (AfD). Sau khi chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 9, AfD đã chính thức có mặt ở Quốc hội nước này, với 92 nghị sĩ trong số 709 thành viên quốc hội.

“Dân chủ là cần thiết, nhưng lập luận này cần phải thực hiện theo quy tắc. Nó đi kèm với sự sẵn sàng để tôn trọng các thủ tục dân chủ và không tố cáo những quyết định của đa số được đưa ra là bất hợp pháp hoặc sự phản bội hay bất cứ từ ngữ nặng nề nào khác”, ông Schaeuble nói.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 60 năm qua mới có một đảng cực hữu có ghế, thậm chí là số ghế lớn đứng thứ 3 trong Quốc hội Đức. Với 12,6% số phiếu bầu đạt được nhờ mục tiêu chống nhập cư, các lãnh đạo của đảng chính trị non trẻ này tuyên bố mình đã làm được một “cơn địa chấn chính trị”.

Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử hồi tháng 9, Chủ tịch AfD Frauke Petry đã tuyên bố rằng bà sẽ không trở thành nghị sĩ quốc hội và AfD đang phải giải quyết sự “bất đồng chính kiến” trong đảng.

Hồi đầu năm, bà Petry đã không thành công trong một “cuộc chiến nội bộ” để loại bỏ một lãnh đạo AfD ở cấp địa phương khi người này lên án công trình tưởng niệm nạn diệt chủng người Do thái ở Berlin. Việc bà Petry không trở thành nghị sĩ quốc hội khiến dư luận Đức đang tự hỏi rằng hiện tại ai mới là “lãnh đạo thật sự của AfD”.

Thậm chí, bà Petry còn lập một nhóm chính trị gia bảo thủ riêng tên “Blaue Wende” (màu xanh thay đổi – màu sắc cho thấy chủ nghĩa bảo thủ của nhóm).

Tuy nhiên, Joana Cotar một nghị sĩ quốc hội của AfD nói rằng đảng này hiện đang rất ổn định và chuyện bất đồng nội bộ chỉ là trong quá khứ.

“Tất cả chúng tôi đều đồng lòng và tôi nghĩ không có một nghị sĩ nào của AfD muốn bỏ đảng lúc này. Chúng tôi không thể chấp nhận sự chia rẽ”, bà Cotar nói.

Các lãnh đạo đảng AfD cho hay họ sẽ là đảng chính trị đối lập trong chính phủ và xem vấn đề nhập cư là ưu tiên hàng đầu của mình trong các phiên họp quốc hội.

“Trước nhất chúng ta phải chấm dứt tình trạng di cư hỗn loạn”, Karsten Hilse, 53 tuổi một trong 3 nghị sĩ của AfD được bầu trực tiếp nói.

Ông Hilse, một cựu cảnh sát nói rằng ông rất chú ý đến chính sách mở cửa với người tị nạn của bà Angela Merkel và – giống như nhiều chính trị gia của AfD – khẳng định bà đã vi phạm pháp luật. Ông Hilse nói muốn gặp bà Merkel để mở một cuộc điều tra xem bà có phạm luật hay không.

Theo Ái Vi (theo CNN, ABC) / motthegioi.vn