Mặc dù hệ thống an toàn xe hơi hiện đại làm giảm tai nạn, nhưng số tiền các công ty bảo hiểm phải trả bồi thường thiệt hại vẫn tăng hằng năm. Theo Hiệp hội ngành bảo hiểm Đức (Gesamtverband der Deutschen Versicherungswirtschaft), năm 2012 tiền bồi thường xấp xỉ 12,6 tỷ Euro, tới 2014 khoảng 13 tỷ Euro. Để tránh rắc rối đối với hãng bảo hiểm khi xe bị tai nạn, cần chú ý các điều khoản khi ký hợp đồng bảo hiểm và cách xử lý lúc xảy ra tai nạn:
Điều khoản về cẩu thả, thiếu thận trọng
Có những điều khoản hợp đồng còn quan trọng hơn giá cả bảo hiểm. Theo Stiftung Warentest, khi ký hợp đồng nên đòi hỏi công ty bảo hiểm không đưa vào điều khoản quy định không bồi thường vì lý do đãng trí hay cẩu thả, mà buộc hãng bảo hiểm phải bồi thường hoàn toàn thiệt hại. Để thấy điều này quan trọng ra sao, có thể tham khảo án lệ số 7S 21/13 của Tòa án Hagen, công ty bảo hiểm được quyền không đền 30% vì tội cẩu thả của một người lái xe, khi anh ta quên bẵng chiếc xe đạp trên nóc ô-tô, cứ thế chạy vào nhà đậu xe gây tai nạn.
Đừng để lâu quá
Theo Hiệp hội ngành bảo hiểm Đức „phải báo ngay thiệt hại tai nạn với bảo hiểm“ chậm nhất 1 tuần, vì thông báo trễ cũng bị xem là cẩu thả. Cũng có trường hợp ngoại lệ như „đang nằm viện, không thể trả lời được“. Vì vậy, chỉ có thể báo trễ trong trường hợp người đóng bảo hiểm tự trả khi thiệt hại xảy ra nhỏ, để không bị xếp vào nhóm có mức giảm phí thấp hơn (Schadensfreiheitsrabatt) do gây thiệt hại bảo hiểm phải bồi thường.
Thông báo thiệt hại chính xác
Thông tin về thiệt hại phải thông báo cho hãng bảo hiểm chính xác và đầy đủ. Tòa án phúc thẩm Saarland phán (án số AZ: 5 U 78.08), ai không khai đã lái xe quá vận tốc có thể phải tự đền bù thiệt hại gây ra. Trong vụ án trên, giám định viên đã chứng minh người lái chạy quá tốc độ 25km/giờ so với quy định chứ không như anh ta đã khai, nên bảo hiểm toàn phần không bồi thường.
Không vội vàng sửa xe
Hãng bảo hiểm cần có thời gian giám định xe để đánh giá thiệt hại. Thường cơ quan giám định sẽ xem xét chiếc xe hỏng. Stiftung Warentest cảnh báo, phải thắc mắc nghi ngờ nếu công ty bảo hiểm gửi nhân viên của họ đến. Họ không được phép đóng vai trò giám định.
Nếu tai nạn không phải do lỗi của mình gây ra, được quyền có giám định viên riêng, nhất là trong trường hợp thiệt hại nặng. Phí tổn giám định viên do bảo hiểm phía gây tai nạn đảm nhận.
Lưu ý khi sửa xe
Đối với bảo hiểm Kassko, tùy theo hợp đồng, công ty bảo hiểm có thể đề đòi phải sửa chữa ở đâu. Trong trường hợp người bị tai nạn không có lỗi, trên nguyên tắc được phép tự chọn nơi sửa xe theo ý muốn.
Có quyền sửa xe tại hãng có tên tuổi
Theo Tòa án Tối cao Liên bang (án số VI ZR 53/09), những xe mới dưới 3 năm được phép sửa tại hãng có tên tuổi. Xe cũ hơn cũng được quyền này nếu trước kia thường xuyên bảo trì và tu bổ tại đó. Nếu chỉ nhận tiền bồi thường nhưng không sửa xe tại hãng đó, mà tại hãng khác, bảo hiểm có quyền bắt chủ xe phải giảm phí tổn thiệt hại bằng cách dựa tính toán bồi thường vào giá lương giờ làm việc rẻ hơn của các hãng sửa xe khác.
Bảo hiểm tranh tụng trong giao thông (Verkehrsrechtsschutzversicherung)
Bảo hiểm trên không những hữu ích cho người lái xe mà cả cho người đi xe đạp và khách bộ hành. Bảo hiểm này có lợi vì tranh tụng rất tốn kém. Theo „Finanztest“, nếu một người kiện đòi 1000 € bồi thường thiệt hại móp xe, phí tổn tranh tụng tại tòa sơ thẩm là 770 €, tại tòa phúc thẩm là 1560 €, chưa kể chi phí giám định. Nếu đóng bảo hiểm tranh tụng, các khoản phí tổn trên sẽ do bảo hiểm trả.
So sánh các hãng bảo hiểm
Stiftung Warentest kiểm tra cho thấy, trong 114 bảng giá bảo hiểm có 24 được đánh giá „rất tốt“, 75 „tốt“. Bảo hiểm tranh tụng trong giao thông rẻ hơn mọi lãnh vực pháp lý với niên phí dưới 100 €. Phí các bảo hiểm được xếp loại „rất tốt“ với khoản tự trả 150 € là từ 38 € một năm cho người độc thân không sở hữu xe hơi, đến 95 € cho gia đình có nhiều xe.
Thanh Mai (tổng hợp)