TBVĐ- Khi đổi chỗ ở vì lý do công việc hay cá nhân, đều phải thông báo cho Cơ quan tạm trú (Einwohnermeldeamt) về nơi ở mới trong một thời hạn nhất định. Nếu không, sẽ bị phạt tiền.
Sau khi chuyển đến căn hộ hay nhà mới, một trong những việc đầu tiên phải làm là đến Einwohnermeldeamt của nơi ở mới để thông báo. Tại Đức, việc thông báo này là bắt buộc và phải thực hiện trong thời hạn nhất định. Nếu không sẽ phải nộp phạt.
Cần lưu ý gì khi thông báo đổi chỗ ở
Trách nhiệm thông báo này không chỉ bắt buộc khi chuyển đến thành phố khác sinh sống, mà ngay cả khi đổi nơi ở trong cùng một khu phố hay thành phố. Điều này cũng được áp dụng khi chuyển đến sống ở nơi ở phụ, chẳng hạn khi đi học xa nhà và vẫn giữ địa chỉ đăng kí chính ở nơi cũ. Trong mọi trường hợp, đều phải thông báo cho Einwohnermeldeamt.
Về cơ bản, phải thông báo cho Einwohnermeldeamt về nơi ở mới trong vòng hai tuần. Nếu không, có thể bị phạt đến 500 Euro. Tuy nhiên, một số thành phố không quá khắt khe trong chuyện này. Nhiều nhân viên nhắm mắt bỏ qua nếu thông báo muộn vài ngày hay thậm chí vài tuần.
Cần chuẩn bị gì khi thông báo thay đổi nơi ở
Để việc thông báo được diễn ra suôn sẻ, nên có mặt trực tiếp tại nơi đăng kí. Nếu không thể có mặt, có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác, nhiều nơi yêu cầu phải công chứng giấy ủy quyền. Ngoại lệ: Một số thành phố, tiểu bang cho phép thông báo thay đổi địa chỉ qua đường bưu điện như Bayern, Köln. Khi đó cần gửi qua bưu điện mẫu thông báo thay đổi địa chỉ (Ummeldeformular) và bản phô tô giấy tờ tùy thân. Để nhận được mẫu thông báo thay đổi địa chỉ, phải truy cập vào trang mạng của cơ quan chịu trách nhiệm ương ứng và tải về bản pdf và tự in ra. Một số nơi khác yêu cầu nộp kèm thêm hợp đồng nhà.
Từ ngày 1-11-2015, khi muốn đăng kí chỗ ở mới, người thuê nhà phải nộp thêm giấy chứng nhận bằng văn bản của chủ cho thuê. Người thuê cũng có thời hạn hai tuần, kể từ khi chuyển nhà. Giấy chứng nhận phải có các thông tin sau: Tên và địa chỉ của người cho thuê, ngày dọn vào ở, địa chỉ nhà, tên người có trách nhiệm thông báo.
Cần thông báo cho những cơ quan nào?
Ngoài đăng kí chỗ ở mới tại Einwohnermeldeamt, cần phải thông báo sớm về việc đổi địa chỉ cho những cơ quan chức năng. Với Ô tô: Việc thay đổi địa chỉ có liên quan đến giấy tờ xe. Nếu chuyển chỗ ở trong cùng một thành phố, chỉ cần thông báo cho bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới (Kfz-Haftpflichtversicherung) và thông báo cho cơ quan cấp giấy phép xe (Kfz-Zulassungsstelle) để điền địa chỉ mới vào giấy tờ xe. Nếu chuyển sang sống tại thành phố khác, sẽ cần thêm giấy chứng nhận bảo hiểm của bảo hiểm trách nhiệm Kfz-Haftpflichtversicherung để thay đổi địa chỉ tại cơ quan cấp giấy phép xe. Từ 1-1-2015, người sở hữu ô tô và xe máy không cần thay đổi biển số xe, do từ ngày này, khi chuyển đến thành phố khác sinh sống vẫn được giữ biển số xe cũ.
Đối với Sở Tài chính, còn tùy thuộc việc chuyển nhà có khiến thay đổi Sở Tài chính phụ trách hay không. Nếu không thay đổi, có thể thông báo địa chỉ mới khi làm khai báo thuế lần tiếp theo. Nếu thay đổi, nên báo sớm cho Sở Tài chính mới địa chỉ mới, để các Sở Tài chính có thể chuyển giao dữ liệu kịp thời.
Nên ủy nhiệm cho bưu điện chuyển tiếp thư từ địa chỉ cũ đến dịa chỉ mới thông qua ủy nhiệm chuyển tiếp thư Nachsendeantrag. Có thể thực hiện Nachsendeauftrag trực tiếp tại bưu điện hay qua mạng Internet.
Ngoài ra, nên cân nhắc xem có mang theo hợp đồng điện thoại, Internet đến nơi ở mới không. Cần lưu ý thời hạn chấm dứt hợp đồng để không phải trả tiền khi không dùng. Không nên quên thông báo đổi địa chỉ cho những nhà cung ứng điện, ga, nước. Nếu chủ nhà không thực hiện, người thuê phải tự làm. Trước tiên phải chấm dứt hợp đồng và yêu cầu nhân viên đến đọc số điện, nước, ga đã tiêu thụ.
Nếu có con và chuyển trường mới sau khi thay đổi chỗ ở, cần phải thông báo cho Sở Thanh thiếu niên, trường học. Cần lưu ý thời gian nghỉ hè ở các tiểu bang có thể khác nhau. Khi chuyển nhà, cần lưu ý rất nhiều thời hạn, do đó, tốt nhất nên lập một danh sách những việc cần làm để không quên những địa chỉ và thời điểm cần thông báo.
Bảo Ngọc