Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Những giới hạn quyền lực của cảnh sát Đức

Ảnh minh họa: Chí Vỹ

TBVĐ- Không phải cứ là cảnh sát thì sẽ có quyền lực tuyệt đối trong việc điều tra tội phạm, truy tìm và bắt giữ hung thủ.

Các phim hình sự, đặc biệt các phim truyền hình nhiều tập thường hay thần tượng hóa và mô phỏng hình ảnh cảnh sát như những người có quyền lực tối cao. Vậy ngoài đời thực, cảnh sát có những trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lực gì? Họ cần tuân thủ những qui định gì? Công dân bình thường cần lưu ý điều gì khi “va chạm” với cảnh sát tại Đức? Dưới đây là một số giải đáp.

Trong quá trình tố tụng hình sự

Chúng ta thường hiểu lầm bốn vấn đề: Một là, mặc dù mỗi năm có tới hơn 2.000 cảnh sát ở Đức khiếu nại lên tòa án việc bị chửi, bị xúc phạm bằng những câu tục tĩu, nhưng thực tế, trong luật pháp của Đức không có hình phạt nào đặc biệt dành cho hành vi “xúc phạm người thi hành công vụ”.

Hành vi xúc phạm cảnh sát khi đang thi hành công vụ nếu bị khiếu nại và có người làm chứng sẽ bị xử phạt, nhưng mức phạt cũng tương đương như mức phạt cho các hành vi xúc phạm người bình thường khác.

Tòa án trước tiên sẽ xét đến tình trạng tài chính của “thủ phạm”, lần đầu vi phạm hay đã nhiều lần và vi phạm trong tình huống thế nào. Tùy vào các từ được dùng để chửi, mức phạt sẽ dao động từ 100-200 đến vài nghìn Euro, ví dụ nếu chửi người khác bằng từ “Miststück” hoặc “alte Sau” thì “thủ phạm” sẽ bị phạt 2.500 Euro, trong khi nếu dùng từ “Bekloppte” thì “chỉ” bị phạt nhẹ 250 Euro. Mức bồi thường cho từ “Schlampe” là 1900 Euro, chửi “Arschloch” hoặc “Trottel” thì sẽ bị phạt 1000 Euro.

Đặc biệt hơn, nếu chửi “Trottel in Uniform” (“thằng ngu mặc đồng phục”) thì sẽ chịu mức phạt 1.500 Euro, và nếu không phải siêu sao như ông hoàng nhạc Pop của Đức Dieter Bohlen, thì tốt nhất bạn đừng gọi cảnh sát là “du” (kiểu xưng “mày/tao” trong tiếng Việt), vì như vậy sẽ bị phạt tới 600 Euro.

Hiểu lầm thứ hai rất phổ biến là, dường như ai cũng cho rằng chỉ cảnh sát mới được quyền bắt tội phạm hoặc những kẻ bị tình nghi. Theo luật của Đức thì tuy rằng đúng là như vậy, nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ: bất cứ ai cũng có quyền bắt giữ người khác (“das Festnahmerecht durch Jedermann”) với điều kiện phải bắt quả tang, khi đối tượng đang thực hiện hành vi phạm pháp, hơn nữa cũng chỉ được bắt giữ trong thời gian đợi cảnh sát đến hiện trường. Nếu đã từng nhìn thấy ai đó phạm pháp mà không can thiệp ngay, thì lúc gặp lại người đó, công dân bình thường không có quyền bắt.

Hiểu lầm thứ ba là cứ bị cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn khi đang điều khiển xe, thì lái xe phải đáp ứng. Điều này cũng không chính xác. Theo luật pháp của Đức thì mỗi người đều có quyền giữ im lặng, nghĩa là không phải đưa ra lời khai hay hành vi chống lại chính mình hoặc tự buộc tội mình, vì thế mà lái xe cũng có quyền từ chối không thổi vào máy đo nồng độ cồn. Tất nhiên, vì lái xe lúc này không phối hợp kiểm tra, cảnh sát sẽ được quyền thu bằng lái và buộc lái xe đi lấy máu để xét nghiệm, nếu họ có bằng chứng nghi ngờ lái xe uống rượu (ví dụ có mùi rượu phả ra khi nói chuyện, lái xe chạy ngoằn ngoèo trên đường).

Hiểu lầm thứ tư là các công dân từ năm 16 tuổi đi đâu cũng phải mang theo người giấy thông hành hoặc chứng minh thư. Tuy nhiên, trên thực tế thì mỗi công dân có trách nhiệm phải làm một chứng minh thư, nhưng sẽ không phạm pháp nếu chẳng may hoặc cố tình để nó ở nhà. Chỉ hơi rắc rối khi bị kiểm tra vì lúc ấy họ sẽ phải theo cảnh sát về đồn hoặc đưa cảnh sát về nhà để kiểm chứng các thông tin cá nhân.

Trong quá trình điều tra tội phạm

Cũng như đã nêu trên, bất cứ ai khi bị tình nghi hoặc bị mời đến giúp đỡ điều tra, làm nhân chứng, v.v. đều có quyền giữ im lặng (Schweigerecht). Quyền giữ im lặng tại Đức được phân biệt với quyền từ chối làm chứng (Zeugnisverweigerungspflicht) – luật này dành cho những đối tượng được mời ra làm chứng, có quyền từ chối cung cấp thông tin của các cá nhân khác, ví dụ như bác sỹ, nhà báo, cha cố – và quyền từ chối khai báo (Aussageverweigerungsrecht) – luật này chỉ dành cho các nghi phạm, các đối tượng bị hỏi cung hoặc truy tố ra trước tòa án hình sự, bởi họ có quyền không đưa ra lời khai hay hành vi chống lại chính mình hoặc tự buộc tội mình, mà chỉ phải khai báo các thông tin cá nhân.

Trong trường hợp này, chiếu theo luật pháp, cảnh sát cũng không được đánh giá việc các đối tượng giữ im lặng là vì họ phạm tội. Đối tượng chỉ trở thành “hung thủ” sau khi tòa án xét xử dựa trên các bằng chứng xác thực và ra án quyết xử phạt. Các nghi phạm thường được khuyên là hãy giữ im lặng và liên lạc với luật sư của mình để được tư vấn và bảo vệ. Trong quá trình điều tra tội phạm, cảnh sát thường không vào vai “anh hùng” hay “cứu hộ” nữa, mà điều họ quan tâm nhất lúc này là phá án.

Nhiều nghi phạm chỉ vì khai báo quá nhiều và thậm chí quá thừa cũng đã tự chuốc họa, bởi nhiều lời khai vô tình dễ gây mâu thuẫn lẫn nhau mà đối tượng không để ý. Vì thế cách tốt nhất khi vướng vào nghi án thì hãy nhớ tới câu châm ngôn “nói là bạc, im lặng là vàng”!

Một hiểu lầm nữa là cảnh sát không được phép xông vào kiểm tra nhà riêng khi không có giấy của tòa án. Thực tế là họ có quyền làm việc đó mà không cần bất cứ giấy phép nào, nhưng chỉ đặc biệt trong những tình huống gây nguy hiểm tính mạng hoặc có tiếng động ầm ĩ từ trong nhà phát ra. Tuy nhiên, nếu xông vào nhà riêng hay phòng ốc, công sở để tìm người hoặc vật chứng thì thường họ cần phải có giấy của tòa án. Nếu không có cơ sở pháp lý mà cảnh sát tự ý xông vào nhà riêng, họ sẽ phạm tội quấy rối và xâm nhập trái phép (Hausfriedensbruch).

Nhiệm vụ của cảnh sát

Nhiều người cho rằng, một trong những việc mà cảnh sát tại Đức phải làm là đêm hôm sẽ chạy trên đường tìm thanh thiếu niên dưới tuổi vị thành niên rồi đưa về nhà. Nhưng đây chỉ là một hiểu lầm, vì cảnh sát không có trách nhiệm giáo dục con cái của người khác, mà họ chỉ đưa trẻ về nhà nếu may mắn tìm thấy các cháu đúng lúc đang gặp nguy hiểm.

Cũng ngược lại với nhiều ý kiến thì thực tế là không hề có luật nào nghiêm cấm thanh thiếu niên không được ra đường sau 12 giờ đêm. Trong luật bảo vệ thanh thiếu niên chỉ đưa ra những địa điểm mà các cháu không được phép đến và ở lại một mình sau nửa đêm, như các quán ăn, nhà hàng, quán rượu, disco, những nơi tổ chức nhảy nhót, rượu chè, các điểm casino, tụ điểm cá độ, chơi xổ số, các nhà chứa v.v…

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bắt buộc các cháu phải về nhà sau nửa đêm, vì thế cảnh sát cũng không có trách nhiệm phải “thu gom” các thanh thiếu niên trên đường và đưa về nhà.

Ngoài ra, nhiều người vẫn nghĩ rằng đã là cảnh sát thì lúc nào cũng phải có trách nhiệm thực thi pháp luật, dù là vào ngày nghỉ của họ. Điều này hoàn toàn sai, mà trách nhiệm thi hành công vụ của người cảnh sát mọi nơi mọi lúc chỉ dành cho các trường hợp đặc biệt nặng như khi vô tình đối diện với tội giết người, cướp của, đốt nhà, v.v. cảnh sát bắt buộc phải “ra tay” can thiệp và cứu người. Đối với các tội phạm khác thì họ không cần làm vậy. Tuy nhiên, “không cần” không có nghĩa là họ không thể và không được làm! Những khi họ được nghỉ phép hay sau giờ làm việc, người cảnh sát có thể cởi bỏ đồng phục, nhưng họ vẫn có quyền tuân thủ nghĩa vụ của mình. Vì thế dù họ không bị bắt buộc phải truy bắt tội phạm bất cứ lúc nào, nhưng nếu muốn, họ vẫn được làm vậy.

 

Tuấn Minh