Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Có nên bỏ phí truyền thông GEZ tại Đức?

TBVĐ- Năm 2016, bà Sieglinde B. sống tại thành phố Chemnitz – một người chống đối không chịu đóng phí truyền thông nhiều năm – đã bị tòa xử phạt hơn 60 ngày ngồi tù để trừ nợ cho khoản phí này. Bà là người đầu tiên chấp nhận vào tù chứ vẫn dứt khoát không chịu trả.

Bất cứ ai sống tại Đức cũng đều biết đến khoản tiền GEZ, một loại phí truyền thông công cộng. Tuy nhiên, hàng triệu người thà mất thời gian đâm đơn kiện ra tòa, thà chịu phạt tù chỉ vì không muốn đóng khoản phí này, đồng thời kêu gọi nhà nước sửa đổi luật, bác bỏ nó. Tất cả các nguyên đơn phản đối hầu hết đều đồng ý với quan điểm rằng, loại phí này là một dạng phí bắt buộc và không công bằng, bởi mỗi hộ gia đình tại Đức đều phải đóng, bất kể họ có xem TV hay nghe Radio không, thậm chí có người còn không hề có đài phát thanh để xem hay nghe gì được.

Mức phí GEZ mà mỗi hộ gia đình phải nộp kể từ năm 2013 là 17,50 Euro/ tháng. Lần đầu tiên trong 5 năm mới sửa đổi luật GEZ, dịch vụ thu phí truyền thông đang tiến hành việc lấy tên tuổi của người dân từ Ủy ban nhân dân thành phố và so sánh với bảng đóng phí của họ. Bằng cách này, họ hi vọng sẽ “tóm” được những người xem TV “chùa”.

Năm 2016, các cơ quan của đài truyền hình công cộng nhờ vào GEZ đã thu về 8 tỉ Euro. Theo qui định, bằng số tiền đó, họ có nhiệm vụ phải tường thuật thông tin một cách công bằng, đóng góp vào việc tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến. Ngoài ra, họ có trách nhiệm phải phủ sóng truyền hình trên khắp mọi miền đất nước và đảm bảo xây dựng một chương trình đặc sắc, nhiều tiết mục bổ ích.

Thế nhưng, những người đệ đơn khiếu nại và nhiều người xem truyền hình từ lâu đã không còn hài lòng, bởi những chương trình được phát sóng trên các kênh mà họ phải trả phí một là đều đã lỗi thời, hai là vô bổ, không truyền tải được tư tưởng chính trị, cũng không có tính chất giải trí đặc biệt. Theo đó, phí GEZ như vậy là quá cao.

Vô số đơn khiếu nại gửi đến Tòa án hiến pháp liên bang Đức đã nói lên một điều: Không thể tiếp tục duy trì tình trạng này. Bởi trong vòng vài chục năm đổ lại đây, thói quen sử dụng truyền thông của người tiêu dùng đã và đang hoàn toàn thay đổi triệt để. Đầu tiên phải kể đến sự phát triển của các đài truyền hình tư nhân đang dần đẩy lùi đài truyền hình công cộng. Thứ hai là các dịch vụ truyền hình trực tuyến (streaming) với lượng chương trình tự chọn khổng lồ như Amazon Prime Video hay Netflix cũng đang dần chiếm lĩnh màn ảnh của các gia đình. Một chương trình vô tuyến theo đúng giờ, đúng qui định và cứng nhắc lặp đi lặp lại đã không còn phù hợp thị hiếu người xem ở thời điểm này.

Theo tìm hiểu cho thấy, kỳ lạ là từ số tiền 8 tỉ Euro mà các đài truyền thông công cộng thu về phần lớn là dùng để trả tiền hưu trí cho các nhân viên đã “về vườn” (được trích ra gồm 13,50 Euro trong tổng số 210 Euro/năm của mỗi hộ gia đình), có xu hướng còn tăng cao hơn nữa. Báo Bild vài năm trước từng điều tra và tính ra rằng, ông Tom Buhrow, hiện là quản lý đài WDR, khi về hưu sẽ nhận một mức lương khá “béo bở”.

Hiện tại thu nhập của Buhrow là khoảng 359.000 Euro/năm. Để bảo đảm những mức hưu trí cao như vậy, tất nhiên là các đài công cộng phải thực hiện phương pháp tiết kiệm – tiết kiệm tiền đầu tư vào làm chương trình và tiết kiệm nhân lực – trong khi đây mới chính là lý do người tiêu dùng trả phí GEZ. Còn một cách khác nữa là tăng thêm mức phí, như ông quản lý đài ARD Ulrich Wilhelm từng yêu cầu, bởi nếu không thì đến năm 2021, quỹ truyền thông công cộng sẽ thiếu mất hẳn 3 tỉ Euro – tính ra phí GEZ như vậy có thể sẽ bị tăng từ 17,50 Euro lên 19,20 Euro/tháng.

Theo một khảo sát mới nhất của doanh nghiệp nghiên cứu thị trường Civey cho biết, 42% người tiêu dùng được hỏi đều không muốn trả phí GEZ, 19,4% đồng ý trả mức phí từ 6-10 Euro, còn 13,7% nghĩ rằng họ sẽ trả, nếu mức phí được ấn định trong khoảng 1-5 Euro. Trong số những người phản đối phí GEZ thì 61,5% là người theo đảng AfD – đây là con số lớn nhất; số nhỏ nhất là những người bầu cử cho đảng Xanh với 24,3% người phản đối.

Không thể phủ nhận rằng, các đài truyền thông công cộng như ARD, ZDF … đóng một vai trò quan trọng trong công tác truyền bá tư tưởng chính trị, khám phá và tường thuật về những tình trạng nguy ngập, điểm nóng, những phim thời sự, những phóng sự dậy sóng. Họ cần cho người tiêu dùng thấy được rằng, số tiền người ta chi trả ra là đáng giá. Lấy Netflix làm ví dụ, cho đến nay vẫn rất hiếm có ai kêu ca rằng, phí Netflix quá cao hay quá đắt. Vì sao?

Minh Quân