Khoảng 60-70 năm về trước, những người Việt Nam đầu tiên đã đặt chân tới Đức để học tập và lập nghiệp. Từ những cá thể đơn lẻ, họ bắt đầu miệt mài lao động và mơ ước cho một sự đổi thay trong tương lai. Họ bước qua nhiều biến cố của lịch sử, cả ở Việt Nam và tại Đức, cả thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Chúng tôi gọi đó là những “người đã qua hai thế kỷ”, chứng kiến sự hình thành và ngày càng trở nên phồn thịnh của cộng đồng người Việt Nam tại Đức – một trong những cộng đồng ngườ nước ngoài hội nhập thành công nhất nước Đức không chỉ được báo chí Đức và cả người dân Đức thừa nhận.
Chúng tôi bắt gặp những “người đã qua hai thế kỷ” tại khắp nơi trên đất nước rắn rỏi giữa trời Âu. Từ những nhà máy can thép – biểu tượng quan hệ Việt-Đức từ thế kỷ 19, đến những những chuỗi quán ăn, nhà hàng thương hiệu châu Á lừng danh, từng bước thay đổi người Hoa và thống trị thị trường ẩm thực châu Á tại Đức đầu thế kỷ 21. Họ mạnh dạn và bản lĩnh, làm chủ những khu chợ sầm uất với gần chục không gian mua sắp nhộn nhịp như khu Đồng Xuân Berlin hay khu Đồng Xuân Leipzig. Họ hiện diện ở những cơ quan công quyền của Đức, có người làm chính trị gia; và tất nhiên càng dễ bắt gặp họ tại những ngày hội người Việt ở Đức vào các dịp lễ tết, họp mặt hàng năm với chất giọng vừa mộc vừa nghệ sĩ.
Thành quả suốt mấy chục năm của những “người qua hai thế kỷ” không chỉ là đại gia đình của họ với con cái và cháu chắt thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba – đóng góp rất nhiều chất xám cho nước Đức; mà tựu chung lại là cả một cộng đồng người Việt vừa cần lao, vừa ôn hòa và đậm chất nghĩa tình dân tộc. Khi những đứa trẻ thế hệ sau đang dần thay thế họ viết tiếp lịch sử cộng đồng người Việt Nam tại Đức, chúng vẫn được nghe kể nhiều về những năm tháng gian lao, ngụp lặn hai bờ đại dương từ Việt Nam sang Đức để dung dưỡng ước mơ của thế hệ cha ông mình, để có những “đứa trẻ hai quê” như ngày hôm nay.
Thời gian dần trôi qua, những “người trải qua hai thế kỷ” cũng dần về những năm tháng cuối của cuộc đời. Quy luật của cuộc sống là sự thay thế: “tre già, măng mọc”. Những du học sinh đầu tiên, những công nhân hợp tác lao động đầu tiên,… của những năm 40, 50 thế kỷ 19 rồi cũng trở thành người hoài cổ với những câu chuyện và cả những giai thoại có bi, có tráng, mặn mùi mồ hôi, sôi dòng nước mắt. Tất cả đều đáng trân quý, đều đáng được giữ gìn cẩn thận để con cháu nhớ về ông bà, người sau nhớ người đi trước.
Chúng tôi gặp một người đàn ông “đã qua hai thế kỷ”, bình thản đi dạo bìa rừng vào mỗi sáng; miệt mài với nghề nấu ăn phục vụ khách tây, khách ta có đủ; rồi say sưa với những cốc rượu vang, chăm chú nghe những bài dân ca Việt vào những đêm cuối tuần; và thường kể về những tháng năm cần lao khi bám trụ lại vùng đất lành giữa trời Âu. Cứ nghĩ lịch sử thu nhỏ lại như trong bàn tay của ông lão đã bước qua tuổi lục tuần, nhưng sự thật vẫn mang lại nhiều bất ngờ thú vị mà người trẻ chúng tôi phải thổn thức.
Xin được phép gửi lời tri ân “những người đã qua hai thế kỷ”!
Thời báo Việt Đức