Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Những thế hệ “viết tiếp” lịch sử Việt Nam ở Đức

Ảnh minh họa: H.Nguyên

TBVĐ- Bên kia bờ đại dương, tại Đức hay rộng hơn là ở châu Âu, thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại “quê hương thứ hai” vẫn tiếp sức “con rồng cháu tiên” viết nên những câu chuyện đẹp không kém.

Rất nhiều người Đức lẫn châu Âu, thậm chí ở nước Mỹ xa xôi hay những quốc gia hiếm khi được nhắc đến trên sóng truyền hình, khi được hỏi về Việt Nam, họ thường nghĩ về chiến tranh, nghèo đói và sự cô lập. Hàng ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ, hàng trăm năm dưới ách cai trị của Pháp, rồi “tiếp” quân Nhật Bản, Mỹ và cả nội chiến,… khiến quá khứ Việt Nam vừa hào hùng nhưng cũng bi ai một sắc màu chiến tranh, nghèo đói, kém phát triển nếu không muốn nói là tụt hậu.

Hơn bốn thập kỷ trôi qua kể từ khi Việt Nam không còn bị phân chia hai miền Nam-Bắc bằng hàng rào thép đầy gai góc, vết thương súng đạn đã lành, nhưng vết sẹo của dân tộc Việt Nam vẫn còn đó: những vùng đất vẫn còn nặc mùi chất độc dioxin và những mảnh đời “dở khóc dở cười”; những nhân chứng lịch sử giữ trong mình ký ức đen tối của chiến tranh, thi thoảng hiện về rõ như một bộ phim chiếu chậm; nhiều phận người trải đời dài qua hai thế kỷ với những góc sáng, góc tối của những thời khắc lịch sử trước và sau giải phóng; cùng vô số câu chuyện đầy tranh cãi về lịch sử Việt Nam, trong đó có cả những câu chuyện về thù hận và tha thứ, giữa bi quan và niềm tin, giữa gìn giữ và rũ bỏ, giữa cắt đứt và hòa hợp. Dù muốn hay không, những mảng đen-trắng của quá khứ người Việt hiện vẫn ít nhiều còn ảnh hưởng đến góc nhìn của bạn bè quốc tế. Phải thẳng thắn nhìn vào lịch sử, không phải để lên án hay đấu tranh, mà là để rút ra những bài học để phát huy được cái tốt đẹp và tránh né những sai lầm (từng có) của dân tộc.

Nhưng lịch sử không chỉ cần người kể lại bởi những người từng vác súng cầm gươm, những người quyết liệt bám víu mảnh đất quê hương mấy chục năm qua, hay những thuyền nhân “đánh cược” tính mạng với biển sâu để tìm sang đất khách mưu sinh. Lịch sử càng không phải chỉ là một câu chuyện tiếp diễn đen ngòm màu thuốc súng, xám xịt màu thù hận, hay nâu thẫm màu đói nghèo. Lịch sử cần những thế hệ “măng mọc” thay thế “tre già” viết tiếp, bằng tri thức mới, tầm nhìn rộng, tính cách cởi mở, tinh thần vượt khó, sức trẻ bền bỉ và đặc biệt là tấm lòng bao dung. Trong nước, nhiều thanh niên 8X, 9X và thậm chí sau năm 2000 lần lượt ghi tên mình vào những trường đại học uy tín nhất thế giới. Họ làm rạng danh người Việt bằng những sáng chế khoa học đầy thực tiễn. Họ lãnh đạo những dự án khởi nghiệp mà hàng triệu người trong nước và quốc tế ngưỡng mộ. Và họ, từ Việt Nam, truyền ra khắp thế giới một thông điệp mới về Việt Nam: một Việt Nam gác lại quá khứ và đang hội nhập sâu rộng với bạn bè năm châu bốn bể.

Bên kia bờ đại dương, tại Đức hay rộng hơn là ở châu Âu, thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại “quê hương thứ hai” vẫn tiếp sức “con rồng cháu tiên” viết nên những câu chuyện đẹp không kém. Họ ghi tên mình vào những giải thưởng danh giá của nước Đức và châu lục; họ làm chủ các diễn đàn thanh niên quốc tế; họ mang về những huy chương đáng tự hào; và họ nối dài những dự án kinh tế, xã hội từ Đức và khắp nơi trên thế giới, vượt qua những vùng biển “hung dữ” nhất để về với Việt Nam. Trong vô số những thành tựu của những người trẻ gốc Việt tại Đức hay châu Âu, bất chấp những tranh cãi và “sự hòa giải dân tộc” mà đôi khi chính các bậc cha chú của họ đang còn chưa ngã ngũ, họ luôn khẳng định họ là người Việt.

Mấy mươi năm trước, những thanh niên Việt Nam với “súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gọc” hay cả ngòi bút để ra mặt trận, viết nên lịch sử Việt Nam đầy bi tráng. Giờ đây, những thanh niên “máu đỏ da vàng” dù sống trên dải đất hình chữ S hay trưởng thành ở bên kia đại dương xa xôi, đang cùng nhau viết tiếp “một lịch sử Việt Nam rất khác” – văn minh, hội nhập, đang trên đà phát triển. Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 2017 vì thế cũng trở nên ý nghĩa hơn, khi nó không chỉ đánh dấu một thế hệ trưởng thành sau Đổi Mới, mà còn là tiếp diễn của thanh niên 9X đang dấn thân vào các diễn đàn quốc tế, và khởi đầu của những “mầm non” 2000 đang vươn lên hướng tới một Việt Nam phồn thịnh ở châu Á và cả ở lục địa châu Âu trù phú.

Thời báo Việt Đức

Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 06.2017