Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tìm hiểu tập quán luật lệ Đức: Cẩn thận khi tặng và nhận quà

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Trước kia, gần Noel, nhiều nhân viên, nhận được những món quà nhỏ từ các công ty đối tác như hộp bánh Lebkuchen, chiếc bút bi giá trị hay chai rượu vang hảo hạng. Ngày nay, các doanh nghiệp cẩn thận hơn với vấn đề cho nhận quà cáp, do trong thời gian gần đây nảy sinh nhiều vụ bê bối, lùm xùm vì quà cáp ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan.

Để tránh cáo buộc đưa, nhận hối lộ, một số công ty thậm chí cấm nhân viên đưa hay nhận quà. Theo truyền thông, một số chủ lao động cho phép đưa và nhận quà trị giá tới một ngưỡng nhất định. Còn nhân viên công chức nhà nước được nhận quà đến 25 Euro. Mức chính xác được ấn định trong Luật của từng tiểu bang. Đối với nhân viên, quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế, không có luật áp dụng chung mà do từng chủ lao động ấn định. Nhân viên một số doanh nghiệp thường được phép đưa nhận quà giá trị tới 35 Euro/năm. Giới hạn này xuất phát từ quy phạm pháp lý: những hiện vật hàng hoá chủ lao động tặng miễn phí cho nhân viên tới giá trị 35 Euro được xem như chi phí doanh nghiệp, không bị tính vào tiền lương phải trích nộp bảo hiểm như lương.

Chẳng hạn, một nhà hàng có thể chi liên hoan cho 20 nhân viên dịp Noel lên tới 700 Euro. Số tiền này được hạch toán vào chi phí để khấu trừ lãi. Nhưng nếu vượt qúa ngưỡng trên, số vượt quá đó được tính thành tiền lương trả cho nhân công và phải trích nộp gần 40% bảo hiểm xã hội. Ngưỡng trên không liên quan đến quy định tránh hối lộ. Để nhân viên nắm và thực hiện, những doanh nghiệp quan tâm tới phòng chống hối lộ, thường ấn định mức đưa và tặng quà liên quan tới đối tác trong hợp đồng lao động, nhất là hợp đồng đối với nhân viên quản lý. Bên cạnh đó, họ cũng có thể phổ biến quy định của doanh nghiệp bằng cách treo bảng thông báo nội bộ hay mạng nội bộ Intranet để thông tin đến tất cả người lao động.

Lời khuyên của chuyên gia luật

Nếu không biết chắc chắn có được nhận quà hay không, tốt nhất nên hỏi ý kiến cấp trên. Những nhân viên nhận quà trái phép, có thể bị cảnh báo, thậm chí sa thải. An toàn nhất, tránh được rắc rối, là những món quà có giá trị thấp như bánh kẹo hay sổ ghi lịch làm việc, có thể đưa hay nhận bất cứ lúc nào. Nên cẩn thận đối với quà bằng tiền, Gutschein, vé xem biểu diễn hay mời dự tiệc. Những loại quà này phải hỏi ý kiến cấp trên. Một cách thường được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp là chủ lao động thu thập tất cả quà của nhân viên được đối tác tặng, sau đó phân phát bằng cách bốc thăm xổ số. Doanh thu từ việc bán xổ số được quyên góp cho các tổ chức từ thiện hay ủng hộ các dự án địa phương.

Văn phòng „Compliance“

Từ khi nhiều doanh nghiệp dính vào bê bối hối lộ khiến bị phạt tiền và mất uy tín, nhiều giám đốc đã thay đổi suy nghĩ. Họ muốn hạn chế vi phạm quy định ngay từ đầu hay ít nhất phát giác trong nội bộ trước khi bị phanh phui ra truyền thông. Do đó, những công ty lớn đã mở thêm bộ phận văn phòng „Compliance“.  Khái niệm „Compliance“ có nghĩa tuân thủ quy định, luật pháp và đạo đức. Các văn phòng nội bộ này có chức năng hạn chế tội phạm hình sự kinh tế, giúp tránh khiếu nại bồi thường thiệt hại hay nộp phạt. Đặc biệt, các nhân viên của văn phòng „Compliance“ có nhiệm vụ giữ hình ảnh của doanh nghiệp trong sạch và xây dựng doanh nghiệp có uy tín lâu dài, thu thập điều tra các trường hợp bị ngờ vực hối lộ tham nhũng móc ngoặc, quà cáp xảy ra trong nội bộ và giữa doanh nghiệp với đối tác, hay với cơ quan công quyền liên quan.

Hậu họa người Việt

Cách đây trên chục năm, đã có trường hợp một người Việt bị dính „chưởng“ kiểu Compliance, mặc dù hồi đó chưa có tên gọi này; tiền mất tật mang. Ông N thuê được một cửa hàng bán lẻ quần áo đồ quà tặng trong một siêu thị đông đúc, duy nhất của một thành phố huyện. Đúng thời điểm đang ăn nên làm ra, thì một cửa hàng nhỏ liền kề đóng cửa, ông N muốn mở rộng. Sau một thời gian thương thảo, nhân viên Sachbearbeiter của siêu thị chịu trách nhiệm đàm phán hợp đồng cùng ông N thống nhất xong những điều khoản cơ bản, trong đó liên quan tới giá thuê và đặc biệt các hạng mục xây dựng sửa chữa để biến 2 cửa hàng thành một, tốn kém nhiều tiền đầu tư của cả 2 bên.

Lúc đó đúng dịp sinh nhật người nhân viên. Ông N „khôn ranh“ biết được ngày đó, liền chở một một cây cảnh kèm cả chậu sứ, bao gói giấy bóng to đoành, thắt nơ xanh đỏ tím vàng, bên dưới cành treo lủng lẳng một phong bì có thiếp chúc mừng sinh nhật tới nhà riêng, khệ nê bê từ ô tô xuống, mang vào nhà tặng xong về luôn. Một tuần sau, ông N nhận được thư của Sachbearbeiter thông báo trong phong bì có 5000,- DM đáng tiếc tôi phải có trách nhiệm giao cho lãnh đạo. Người đàm phán hợp đồng tiếp tục với ngài là ông X. Ông N vội tìm cách gỡ, gửi thư từ giải thích, gọi điện, tìm cách tới tận nhà, nhưng một khi gạo đã nấu thành cơm, thì không thể làm lại. Ông N mất không 5000,-DM và kỳ vọng chiếm cửa hàng bên cũng mất nốt!

Thanh Thành (tổng hợp)

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!