TBVĐ- Nhiều quán ăn Việt bị vướng vào tội hình sự chỉ vì thuê lao động chui hay khai báo thuế không đúng.
Tại một thành phố ở Tây Đức, vào đúng ngày Chủ nhật đầu tháng, chọn đúng tầm ăn tối, lực lượng Hải quan chuyên kiểm tra lao động chui (Zoll) mặc thường phục, bí mật ập tới nhà hàng anh T, còn cảnh sát thì bao vây cửa chính, cửa phụ, lối thoát hiểm, canh gác dưới cửa sổ của tầng trên (phòng nhảy lầu). Tiếp đó, 3 người xông vào chỗ đặt ăn, 2 người vọt thẳng lên tầng lầu, chìa thẻ công vụ trước mặt nhân viên, quát to dõng dạc: “Chúng tôi là Hải quan. Ai ở đâu đứng đó, không được nói tiếng Việt, nếu không sẽ bị bắt ngay lập tức“.
Ai từng xem phim hành động Mỹ tới những pha gây cấn sợ toát mồ hôi, trong giây phút này chắc ngất xỉu, nếu trên tay viên công lực có kèm khẩu súng! Nghe tiếng quát, tất cả nhân viên sững người như trời trồng, lần đầu tiên gặp một cảnh ngộ không hiểu mô tê gì, mặt mày tái mét; có người run bắn phải tựa tường, có người đánh rơi luôn đĩa đồ ăn trên tay như chạm trán cướp. Nhà hàng nằm giữa trung tâm thành phố, khu vực đi bộ, mua sắm sầm uất, với bao siêu thị, công sở. Nơi tấc đất tấc vàng này, hầu hết các điểm kinh doanh đều thiết kế 2 tầng. Nhà hàng anh T, tầng dưới bố trí một gian bếp chế biến nóng nhỏ, diện tích chủ yếu ưu tiên dành cho phòng khách. Toàn bộ công việc sơ chế và „ra đồ – Vorbereitung“ ở tầng lầu, được nối với tầng trệt bằng cầu thang thông thẳng xuống bếp. Một nhân viên hải quan đứng dạng chân chặn cầu thang này để cô lập tầng trệt và tầng lầu.
Viên công lực đọc to mẫu văn bản lấy khẩu cung, phần hướng dẫn: „Biên bản thẩm vấn về vụ nhà hàng ông T bị cáo buộc sử dụng lao động người nước ngoài không có giấy phép lao động, do anh H, ngày tháng năm sinh, quốc tịch Việt, phụ bếp, khai báo. Người khai tuyên bố: – Tôi được giải thích rõ về nội dung khai báo. – Tôi có trách nhiệm khai báo đúng sự thật, sẽ tự chịu phạt hình sự, nếu khai sai có chủ đích nhằm có lợi cho nghi phạm, theo Điều ớ184 Bộ Luật Hình sự StGB, hoặc có lợi cho người liên quan khác, theo Điều §257, 258 Bộ Luật Hình sự StGB. – Tôi cũng được hướng dẫn, có quyền từ chối khai báo nếu tôi là bạn đời, hay hứa hôn, hay thân thuộc trực hệ của nghi phạm. – Tôi cũng được giải thích quyền từ chối khai báo những điều bất lợi cho mình quy định tại Điều §55, mục 1 và 2 Luật StPO. – Tôi sẵn sàng khai báo“.
Đọc xong, viên công lực chìa biên bản yêu cầu anh H ký phía dưới và tuyên bố, nếu không trả lời hay trả lời sai, chúng tôi sẽ bắt đưa về trụ sở thẩm vấn. Anh H kiến thức tiếng Đức bằng A, nghe giọng viên công lực rắn như đá, tuôn dồn dập, hiểu câu được, câu chăng, toàn những từ hình sự, lập tức mất hết bình tĩnh, trả lời vô thức như bị thôi miên, không còn đủ tĩnh trí cân nhắc chính xác những điều mình nên hay không khai.
Nghe đọc, cố hiểu ù cả tai, chẳng đủ tiếng Đức để giải thích rõ những điều mình muốn nói, anh H đành cầm bút ký, mong mau thoát nạn.
Chỉ sau khi Zoll rút khỏi hiện trường, mọi người lo lắng gặp nhau hỏi han sự vụ, lúc đó mới tá hoả, anh H và chị P đã khai báo không khớp. Nếu sự việc đúng như lời khai của anh H thì nhà hàng anh T đã thuê lao động chui. Còn nếu đúng như lời chị P khai, thì không hề có lao động chui mà chỉ là nội vụ gia đình. Bởi việc lấy đồ ăn về nhà là chuyện bình thường trong kinh doanh. Cuối năm quyết toán thuế, theo luật định, tư vấn thuế bao giờ cũng cộng định mức số tiền này vào doanh thu của nhà hàng. Gia đình chủ nhà hàng nào không ăn tại quán là thiệt!
Trong lúc toàn bộ nhân viên nhà hàng đang nhao nhác với vụ kiểm tra lao động đột xuất, khai báo mâu thuẫn, thì nhà chức trách phát hiện được chị P tỵ nạn, bỏ trại đã có lệnh trục xuất… Vụ kiểm tra biến thành vụ án hình sự phức tạp, làm anh T chủ tiệm điêu đứng, gần nửa năm vẫn đang phải chờ phán quyết Toà án, trong lúc chị P đã bị cưỡng chế về nước, không thể làm chứng! Chưa nói, họa vô đơn chí, tiếp đó, Sở Tài chính gửi lệnh kiểm tra thuế, Hãng bảo hiểm hưu trí đòi kiểm tra lao động. Thực đại hoạ, một khi „cái sẩy nảy cái ung!“.
Trần Nguyễn