Vẫn còn khoảng cách về kinh tế
Bức tường bê tông chia cắt Đông và Tây nước Đức bị phá vỡ vào ngày 9/11/1989, chỉ vài phút sau khi Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) tuyên bố những hạn chế đi lại sẽ được dỡ bỏ đối với người Đông Đức. Cảm giác tự do và thống nhất bay bổng khắp nước Đức.
Nhưng ba thập kỷ sau, mặc dù đang dần tan rã, một rào cản vô hình vẫn trải dài trên khắp nước Đức. Hai nước, CHDC Đức (Đông Đức) và CHLB Đức (FDR), đã tái hợp chưa đầy một năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Theo Steffen Mau, giáo sư xã hội học tại Đại học Humboldt của Berlin, nhiều lỗ hổng, đặc biệt là kinh tế, đã thu hẹp.
Tuy nhiên, vẫn còn đó sự khác biệt mạnh mẽ về thái độ và tâm lý. Hầu hết người Tây Đức nói rằng, không còn sự khác biệt, tất cả đã bị cuốn trôi trong quá trình chuyển đổi, trong khi nhiều người Đức ở phía Đông cho rằng vẫn có sự khác biệt nổi bật giữa Đông và Tây.
GDP ở vùng Đông Đức cũ ở mức 9,701 EU (10,717 USD) mỗi người vào năm 1991, so với 22,687 EU (25,062 USD) ở Tây Đức cũ. Và trong khi một phần lớn khoảng cách đó đã thu hẹp trong ba thập kỷ qua, thì phương Đông vẫn bị tụt lại phía sau, về cả GDP và thu nhập. Hầu hết người giàu sống ở phía Tây.
Trong khi các thành phố phía Đông nước Đức đang tiếp cận với phía Tây về mức sống, thì nhiều các công ty hàng đầu, các công ty lớn, thu nhập cao, đã không còn ở phía Đông. Theo Viện nghiên cứu kinh tế Halle, chỉ có 36 trong số 500 công ty lớn nhất của Đức có trụ sở ở phía Đông.
Mặc dù khoảng cách giữa phương Đông và phương Tây bị thu hẹp, thì lại xuất hiện khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị của Đức. Ở phía Đông, nhiều khu vực bị bỏ lại phía sau. Những người ở vị trí ưu tú nhất của đất nước vẫn chủ yếu đến từ phía Tây. 3/4 các vị trí dẫn đầu ở miền Đông nước Đức do những người có nền tảng phía Tây nước Đức nắm giữ.
Cơ hội cho phụ nữ
Phía Đông nhỏ hơn về diện tích và ít dân hơn. Ngoại trừ Berlin, 12,5 triệu người sống ở miền Đông cũ, trong khi hơn 66 triệu người sống ở phía Tây.
Sự khác biệt này thể hiện trong các số liệu thống kê cụ thể – ví dụ, trong số 18 đội chơi ở giải bóng đá hàng đầu của đất nước, Bundesliga, chỉ có hai đội ở miền Đông cũ. Phía Tây có nhiều huy chương Olympic hơn.
Nhìn chung, dân số phương Đông già hơn, nghèo hơn và nhiều nam giới hơn. Điều này là do cuộc di cư khổng lồ của người từ phía Đông Đức sau sự sụp đổ của Bức tường. Ước tính có khoảng 2 triệu người đã rời khỏi phía Đông để đến phía Tây kể từ khi hai miền đoàn tụ. 2/3 trong số họ là phụ nữ.
Điều này là do ở phía Đông, phụ nữ và đàn ông kết hôn khá sớm, nhưng họ cũng ly hôn sớm, có tỷ lệ ly hôn rất cao. Vì vậy, phụ nữ cực kỳ độc lập và có sự nghiệp riêng, rất tự tin. Họ cũng là những người hòa nhập tốt hơn với xã hội phương Tây.
Tỷ lệ phụ nữ Đông Đức thành công khá cao. Trong số khoảng 200 người trong hội đồng quản trị của 30 công ty niêm yết công khai lớn nhất của Đức, chỉ có 4 người xuất phát từ phía Đông. Ba trong số họ là phụ nữ.
Việc làm nữ ở phía Đông vẫn cao hơn phía Tây, khoảng cách về giới tính thấp hơn đáng kể. “Hai vùng đất có văn hóa chính thức rất khác nhau, phía Đông rất khuyến khích phụ nữ làm việc”, ông Schmieding nói. Việc thúc đẩy phụ nữ quay trở lại làm việc sớm đồng nghĩa với việc tiếp cận chăm sóc trẻ em miễn phí luôn tốt hơn ở phương Đông.
Khác biệt về giáo dục, văn hóa, chính trị
Về giáo dục, vẫn có sự khác biệt trên toàn nước Đức. Học sinh ở phía Đông đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra đọc và Toán. Trong kỳ thi trung học, học sinh ở phía Đông vượt trội so với các bạn đồng trang lứa ở phía Tây.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cơ quan hàng đầu toàn cầu khi so sánh các hệ thống giáo dục, cho biết các trường học là “nguồn tự hào chính đáng cho người Đông Đức”.
Trong khi hệ thống giáo dục ở phía Tây trước đây tập trung vào việc phân chia trẻ em thành các nhóm khả năng khác nhau từ sớm, thì hệ thống phía Đông lại công bằng hơn. Nhưng khi Bức tường sụp đổ, phía Đông háo hức làm mọi thứ theo cách của phía Tây, thậm chí là giáo dục.
Giáo sư Bastian Betthäuser, một nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, cho biết điều này dẫn đến hệ thống giáo dục ở phía Đông trở nên bất bình đẳng hơn, có thêm trẻ em có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Về mặt chính trị, Đức vẫn còn chia rẽ. Các cử tri ở phía Đông trước đây có nhiều khả năng bỏ phiếu cho phe cực hữu, bởi cuộc sống với nhiều người Đông Đức sau khi thống nhất vẫn rất khó khăn, trong khi khi xã hội xung quanh họ biến đổi với tốc độ nhanh như chớp.
Nhiều người trải qua thất nghiệp, những khoảng thời gian mất an ninh rất dài hoặc thậm chí khủng hoảng và kết quả là họ đã phát triển thói quen “giữ và bảo vệ” và không sẵn sàng chấp nhận thay đổi xã hội nhiều hơn. Chủ nghĩa dân túy rơi xuống mảnh đất màu mỡ, mọi người sẵn lòng nói họ bảo vệ những gì chúng ta có, họ bảo vệ văn hóa của chúng ta, họ bảo vệ biên giới của chúng ta…