Tại quốc gia nổi tiếng bị già hóa dân số như Nhật Bản, lần đầu tiên những nhà làm chính sách tại G20 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế liên quan tới người già và sự sụt giảm tỉ lệ sinh.
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 8-6 đã có cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương. Sự kiện này diễn ra ở Fukuoka (Nhật Bản), trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức vào cuối tháng này.
Các bộ trưởng tài chính và sếp ngân hàng G20 được cảnh báo rằng phải đề cập tới vấn đề về tuổi tác và sụt giảm tỉ lệ sinh, trước khi quá muộn.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói đêm 8-6: “Những gì chúng ta đang bàn là nếu tác động từ vấn đề già hóa bắt đầu xuất hiện trước khi các bạn giàu lên, bạn rõ ràng sẽ không thể có giải pháp hiệu quả để chống lại nó nữa”.
Các nước G20 dù là những nền kinh tế lớn nhất cũng khác nhau nhiều về giai đoạn phát triển lẫn tình hình dân số.
Thật phù hợp khi Nhật Bản – nước đăng cai năm nay, là nơi người ta sẽ bàn về vấn đề già hóa và sụt giảm tỉ lệ sinh.
Đây chính là một trong những trở ngại lớn nhất của người Nhật khi phát triển kinh tế, vì một dân số quá già đồng nghĩa lực lượng lao động của họ bị thiếu hụt. Tương lai của vấn đề càng u ám hơn khi tỉ lệ sinh của Nhật cũng giảm liên tục.
Trong thông cáo chung, G20 cho biết thay đổi nhân khẩu học đang đặt ra những thách thức và thời cơ cho toàn bộ các thành viên, và đòi hỏi phải được giải quyết bằng những chính sách tài chính, tiền tệ và cấu trúc.
Thực tế không chỉ Nhật Bản, các nước như Tây Ban Nha, Ý và Hàn Quốc cũng đối diện nguy cơ dân số già đang áp đảo. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính tới năm 2050, thế giới có thể có hơn 2 tỉ người từ 60 tuổi trở lên, tức hơn gấp đôi số liệu năm 2017.
Theo Nhật Đăng / tuoitre.vn