Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đức tăng ngân sách quốc phòng

Ảnh minh họa: pixabay.com

Đức sẽ tăng chi tiêu quân sự với mức trên 2% GDP, đánh dấu bước thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của nước này.

“Chúng ta phải tự hỏi: Nước Nga của Tổng thống Putin có những năng lực nào? Và chúng ta cần có những năng lực nào để chống lại các mối đe dọa từ ông ấy?”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói trong phiên họp bất thường hôm nay của quốc hội. “Rõ ràng, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa vào an ninh để bảo vệ tự do và nền dân chủ của chúng ta”.

Suốt nhiều thập kỷ, Đức đã hạn chế đầu tư vào quốc phòng mà thay vào đó tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội, điều mà một số quan chức quân sự cấp cao gần đây gọi là “rút ruột” lực lượng vũ trang.

Đức cũng không thúc đẩy đa dạng hóa các nguồn năng lượng, ngày càng phụ thuộc vào nguồn khí đốt dồi dào từ Nga, được cung cấp một phần thông qua đường ống dưới biển gây tranh cãi Nord Stream kết nối giữa hai nước. Một nửa lượng khí đốt ở Đức đến từ Nga.

Thủ tướng Scholz cho hay chính phủ sẽ đầu tư ngay 113 tỷ USD vào lĩnh vực vũ khí. Bắt đầu từ bây giờ, chi tiêu quân sự của Đức sẽ vượt qua mức mục tiêu 2% GDP do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt ra. Đây là một mục tiêu mà không người tiền nhiệm nào của ông có thể thực hiện được kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Ông cho biết thêm rằng chính phủ sẽ tạo ra nguồn dự trữ khí đốt chiến lược và rót vốn xây dựng hai bến nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên bờ biển phía bắc đất nước.

Thủ tướng Scholz đồng thời thông báo về các kế hoạch mua sắm hệ thống vũ khí, cụ thể bao gồm quyết định mua máy bay không người lái hiện đại từ Israel và máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ, mà theo ông sẽ được sử dụng để tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân của NATO trước Nga.

Những biện pháp này cho thấy chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đang ảnh hưởng sâu sắc đến chính trường châu Âu sau gần 8 thập kỷ hòa bình gần như không gián đoạn trên lục địa này.

Tổng thống Nga Putin ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cho biết Moskva “không thể cảm thấy an toàn, không thể phát triển hay tồn tại với mối đe dọa thường trực từ Ukraine”. Sau hơn ba ngày tiến hành chiến dịch, quân đội Nga đang áp sát thủ đô Kiev của Ukraine, nơi giao tranh diễn ra dữ dội.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ cùng đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt lên Moskva cũng như Tổng thống Putin. Các nước phương Tây hôm 26/2 nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), được coi là lệnh trừng phạt rất nặng. Moskva nhiều lần khẳng định loạt lệnh trừng phạt thể hiện sự bất lực của phương Tây.

Vũ Hoàng (Theo WSJ)

Nguồn: vnexpress.net