Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định người tiêu dùng không chịu thuế nhập khẩu quá nặng, mà chi phí này là phía Trung Quốc phải gánh. Có đúng vậy không?
Tối 6-5 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD giá trị hàng nhập từ Trung Quốc.
Theo lẽ thường, thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc dĩ nhiên sẽ khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc tăng giá để bù đắp. Điều này dẫn tới giá những món hàng Trung Quốc mà người Mỹ xài chắc chắn tăng lên.
Nhưng ông Trump nói rằng thuế nhập khẩu áp lên hàng Trung Quốc đang giúp kinh tế Mỹ thể hiện tốt hơn trong giai đoạn qua. Đồng thời quả quyết phía Trung Quốc gánh thuế ấy chứ người Mỹ không ảnh hưởng lắm do không làm tăng giá hàng quá nhiều.
Hãng tin Reuters đã có bài phân tích tổng quát để xem quy trình đánh thuế như thế nào, và ai thực chất là người trả thuế nhập khẩu.
Ai phải trả thuế nhập khẩu?
Thuế nhập khẩu là loại thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu. Cục Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) thông thường yêu cầu các công ty nhập khẩu trả thuế này trong vòng 10 ngày kể từ lúc các đợt hàng xuất khẩu bước qua hải quan.
Chính vì vậy theo Reuters, thuế nhập khẩu được trả cho chính phủ Mỹ là tiền từ các công ty nhập khẩu ở Mỹ. Hầu hết các nhà nhập khẩu hàng do Trung Quốc sản xuất đều là công ty Mỹ, hoặc các đơn vị thuộc công ty nước ngoài đang đăng ký hoạt động ở Mỹ và nhập hàng Trung Quốc.
Mỗi mặt hàng nhập vào Mỹ hợp pháp đều có một mã hải quan. Các nhà nhập khẩu đều phải kiểm tra thuế quan và thuế khác đối với loại hàng mà họ đem về nước, sau đó tính toán rồi trả tiền.
Họ trả như thế nào?
Vấn đề đặt ra là liệu các công ty Mỹ có giao chi phí thuế quan cho các nhà cung cấp hàng hóa từ Trung Quốc xử lý hay không?
Một số công ty đã làm như vậy. Chính vì thế, các công ty Trung Quốc trong trường hợp này cũng đóng thuế nhập khẩu.
Một công ty nhập khẩu Mỹ khi trả thuế nhập khẩu có thể quản lý chi phí của mình theo nhiều cách:
1. Trả toàn bộ chi phí và khiến lợi nhuận biên của họ bị thấp đi.
2. Cắt giảm chi phí để bù đắp vào phần hao hụt do thuế quan cao.
3. Yêu cầu các nhà cung cấp (nhà xuất khẩu) Trung Quốc giảm giá để đối phó với thuế quan cao.
4. Tìm các nhà cung cấp thay thế Trung Quốc. Điều này khiến nhiều công ty Trung Quốc mất cơ hội làm ăn.
5. Tăng giá bán lại sản phẩm cho thị trường trong nước để bù đắp chi phí thuế quan. Nói cách khác, đây là cách làm buộc người tiêu dùng trong nước gánh giúp phần thuế nhập khẩu.
Theo Reuters, đa số nhà nhập khẩu Mỹ sử dụng đan xen 5 loại biện pháp trên để chia sẻ gánh nặng cho bên cung cấp, cho bản thân họ hoặc người tiêu dùng – đại lý trong nước.
Theo Nhật Đăng / tuoitre.vn