Cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) ngày 13-8 cho biết tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên thế giới trong 142 năm qua, gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Tháng 7 thường là tháng nóng nhất trong năm trên thế giới, nhưng tháng 7-2021 đã trở thành tháng nóng nhất từng được ghi nhận từ trước tới nay” – ông Rick Spinrad, lãnh đạo NOAA, cho biết.
Theo NOAA, nhiệt độ bề mặt trái đất (kết hợp nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền) trong tháng 7 vừa qua cao hơn 0,93 độ C so với nhiệt độ trung bình là 15,7 độ C của thế kỷ 20, khiến tháng 7 năm nay trở thành tháng nóng nhất trong 142 năm ghi nhận nhiệt độ trên toàn cầu.
Theo Hãng tin AFP, nhiệt độ của tháng 7-2021 đã xô đổ kỷ lục trước đó vào tháng 7-2016, cũng như trong năm 2019 và 2020.
Theo báo Guardian, sở dĩ tháng 7 vừa qua ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục là do nền nhiệt tăng cao trên khắp thế giới, trong đó châu Á đã trải qua tháng 7 nóng nhất của châu lục này và châu Âu – đang hứng chịu các đợt nắng nóng và cháy rừng dữ dội ở Hy Lạp và Ý – ghi nhận một tháng 7 nóng thứ hai từ trước tới nay.
Úc cũng trải qua tháng 7 nóng thứ tư từ trước tới nay, trong khi khu vực Bắc Mỹ với nắng nóng cực đoan, hạn hán và cháy rừng đã ghi nhận tháng 7 nóng thứ 6 trong lịch sử dữ liệu của khu vực.
Báo cáo khí hậu của NOAA cho biết “rất có khả năng” năm 2021 sẽ nằm trong top 10 năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Trong tuần trước, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc đã có bản báo cáo gây sốc khi khẳng định phát thải do con người gây ra đã làm biến đổi hành tinh một cách nguy hiểm và vĩnh viễn.
Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm từ lở đất ở Ấn Độ, nắng nóng khắc nghiệt và cháy rừng ở Bắc Mỹ, lũ lụt ở châu Âu và Trung Quốc… trong những tháng vừa qua chỉ là màn dạo đầu của những gì sẽ xảy ra nếu Trái đất tiếp tục nóng lên.
Theo Anh Thư / tuoitre.vn