Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Thăng trầm kinh doanh ẩm thực Việt tại Đức

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

TBVĐ- Nói đến kinh doanh hàng ăn uống của người Việt ở Đức là nói đến cả một chiều dài suốt gần mấy chục năm, kể từ khi người Việt là Thuyền Nhân có mặt ở Tây Đức cho đến thời kỳ thống nhất hai miền Đông Tây tới bây giờ.

Thời kỳ đầu những năm 80, dù sự có mặt của người Việt đã đông đúc hơn ở cả hai miền nhưng phần Đông chủ yếu là lưu học sinh, phần Tây là Thuyền Nhân. Họ được nước Đức cho tị nạn, cộng với số lưu học sinh cũ thời chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đi học rồi ở lại vì thể chế chính trị đổi thay ở Việt Nam.

Lịch sử phát triển

Trước thập niên chín mươi thế kỷ XX, hàng ăn Châu Á chủ yếu do người Trung Quốc nắm giữ phần nhiều và ở phần Tây. Sau đấy những người học được nghề nấu ăn trong các quán Tàu, khi đã đủ vốn liếng và kinh nghiệm họ mạnh dạn tự mình mở quán đứng lên làm chủ. Cứ thế phát triển dần nhưng nở rộ thì phải kể từ khi thống nhất nước Đức.

Người Việt ở phần Đông Đức trong cơn biến động chính trị, hợp đồng lao động giữa hai nhà nước Việt nam và CHDC Đức ký kết hết hiệu lực, nhiều người chọn nhận tiền đền bù ra về, còn những người ở lại tự bươn chải kinh doanh.

Ngoài những nghành như hàng vải, rau quả thực phẩm có mặt ngay từ sau khi thống nhất thì hàng ăn phải mất vài năm sau mới bắt đầu nở rộ. Quán ăn mang tên Trung Quốc nhưng do người Việt làm chủ ra đời, ban đầu bán chạy như tôm tươi. Từng Dòng người xếp hàng để được thưởng thức những món ăn nổi tiếng và lạ lẫm. Người dân Đông Đức trước thống nhất nói chung có một đời sống ẩm thực rất đơn giản, vì thế khi có những thứ mới lạ họ rất tò mò, đấy cũng chính là lý do khiến cho hàng ăn sinh sau đẻ muộn so với hai nghành hàng vải và rau quả nhưng lại phát triển chóng mặt.

Trả giá và đổi mới

Tuy nhiên điều đáng tiếc là người Việt nhạy bén nhưng ít được học hành bài bản về kinh doanh, họ thấy bán chạy là ào ạt làm theo. Cung nhiều hơn cầu, các quán ăn được đầu tư đến hàng nửa triệu DM lần lượt đóng cửa. Nhưng cũng nhờ tinh thần Việt, thua keo này bày keo khác. Rút kinh nghiệm từ việc làm quán, đã tốn kém lại kén người ăn. Bà con dần nhận ra nhu cầu ẩm thực của người Đức không quá khó tính họ lại là người thực tế, phần nữa người Đức có thói quen ăn trưa bên ngoài và không phải là lúc có thể rềnh rang thưởng thức vì ít thời gian.

Một bức tranh mới bắt đầu, từ thất bại trước đây vì đầu tư không đúng hướng. Nhiều người chuyển sang dạng bán đồ ăn nhanh với thực đơn Châu Á và thêm cả ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ. Mô hình này thành công vang dội và lại như xưa người ta đua nhau theo bước người đi trước, mở quán ăn nhanh và hầu hết thành công.

Nhưng khôn ngoan nhất phải kể đến những người nhanh nhạy. Họ tìm được đường dây trong các Trung tâm thương mại lớn để chen chân. May mắn mỉm cười, thời gian này cùng với sự phát triển chung của cả hai miền nhất là các đại công ty có tên tuổi. Uy tín của họ đã được khẳng định và nhờ thế người Việt ăn theo trong các Center cũng có chỗ đứng vững vàng. Lượng khách hàng đông là lợi thế quan trọng nhất cho các quán ăn nhanh. Họ xây dựng nên các thương hiệu mang tên mình sau đấy bán lại theo hình thức nhượng quyền. Thực đơn và công thức theo một mô hình quản lý chung rất khoa học. Hầu hết quán ăn trong Center rất đông khách, giá cả để chuyển nhượng hay đầu tư cũng tỷ lệ thuận với vị trí và doanh thu.

Đương nhiên số lượng ông bà chủ như thế không nhiều, họ là đại gia có tiếng trên toàn nước Đức. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, không thể phủ nhận là họ đã cùng những người bán hàng ăn ngoài phố và trong các khu dân cư, tạo dựng nên một bức tranh tổng thể về nghành hàng ẩm thực do người Việt làm chủ phát triển không ngừng.

Cùng với hàng ăn đương nhiên những nghành ăn theo như thực phẩm và xây dựng quán cũng phát triển theo. Nói riêng về cung cấp thực phẩm cho hàng ngàn quán ăn trên toàn nước Đức thôi cũng đủ cho thấy nghành kinh doanh này phát triển thế nào. Để đáp ứng như cầu cũng cấp nguyên liệu những hãng sản xuất thực phẩm riêng như cũng cấp thịt trong đó phải kể đến chế biến thịt vịt và nhiều mặt hàng phổ biến khác.

Những con đường mới

Cuộc sống thay đổi hàng ngày, kinh doanh cũng vậy, muốn phát triển bền vững thì luôn luôn phải tìm tòi và trong khi hàng ăn theo công thức của Trung Quốc ngày càng quen thuộc, ít khách dần, người Việt lại từng bước kiếm tìm con đường mới. Từ đấy cũng là hàng ăn nhưng ẩm thực Nhật bắt đầu có mặt trên nước Đức. Đương nhiên cũng bắt đầu từ một số doanh nhân nhạy bén và khi đã có kết quả tốt thì mô hình sẽ được tự động nhân rộng rất nhanh.

Quán ăn Nhật mang tên món Sushi giờ đây đã hoàn toàn quen thuộc mà đầu bếp đương nhiên là người Việt. Ngoài ẩm thực Nhật người Đức cũng không thể bỏ qua một quán ăn châu á quen thuộc đã có mặt trước cả quán ăn Nhật là quán Thái. Công thức đương nhiên theo phong cách và khẩu vị Thái, quán Thái cũng là một địa chỉ quen thuộc của người Đức khi liên hoan nhẹ trong gia đình hay mời bè bạn đi ăn lúc cuối tuần. Ngoài những quán ăn quen thuộc như đã kể, theo dòng thời gian quán Việt dù sinh sau đẻ muộn nhưng ngày càng được khẳng định.

Những món ăn Việt như Phở, bún chả, nem hay vài loại bánh như bánh bao, bánh rán, bánh xèo… Còn được giới thiệu bằng tiếng Đức cho công chúng biết và thực sự đó là những món ăn rất ngon miệng và hấp dẫn. Đặc biệt cũng như ở Mỹ, bánh mỳ Việt với hương vị rất đặc biệt cũng ngày càng được người Đức, nhất là giới trẻ quan tâm.

Quán Thái hay quán Tàu, quán Nhật, quán Việt thì hàng ăn Châu Á đã từng bước lên ngôi. Trong đó phải kể đến mới hình từ bán từng suất ăn nhỏ đến bán đĩa một giá (Buffet). Lãi suất kém hơn nhưng lại đông khách hàng và tiết kiệm nhân công, mọi chuyện vẫn đâu vào đó.

Thiên Nga