Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Thấp thoáng bóng ma chiến tranh tiền tệ

Ảnh minh họa: pixabay.com
Theo Guardian, Bộ Tài chính Mỹ chính thức coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang. Phía Trung Quốc nhanh chóng có hành động đáp trả.

Ăn miếng, trả miếng

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Bộ trưởng Steven Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ. Tuyên bố mới nhất từ Washington đã phản ánh mối quan hệ đang xấu đi rất nhanh chóng giữa hai bên.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 6-8 tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Theo PBOC, việc coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế. Vào ngày 5-8, Trung Quốc đã để đồng NDT lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD. Đến ngày 6-8, Trung Quốc cho biết đang bán trái phiếu bằng NDT tại Hồng Công, động thái được cho là sẽ hạn chế đà bán ra đối với đồng NDT.

Bắc Kinh cũng đồng thời đặt ra mức tỷ giá trung tâm 6,9683 NDT/USD, cao hơn thị trường dự đoán dù vẫn là mức thấp nhất kể từ tháng 5-2008. Trong phiên này, đồng NDT trên thị trường nước ngoài ban đầu đã rớt xuống mức thấp nhất chưa từng có 7,1265 NDT/USD, nhưng sau đó đã phục hồi lên mức 7,0495 NDT/USD.

Cũng trong ngày 6-8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo ngừng mua nông sản của Mỹ, đồng thời Bắc Kinh không loại trừ khả năng áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với nông sản của Washington được đặt mua sau ngày 3-8. Trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố từ ngày 1-9 sẽ áp mức thuế 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc, đồng nghĩa gần như tất cả số hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ nhập khẩu bị đánh thuế.

Giới chuyên gia nhận định, những diễn biến dồn dập giữa hai quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy mức độ nghiêm trọng của xung đột thương mại tăng lên cấp độ mới. Rủi ro đặt ra là cuộc chiến thương mại đang tiến đến gần ngưỡng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí suy thoái.

Theo tờ Financial Times, nguy cơ từ xung đột thương mại đến chiến tranh tiền tệ đang đến gần. Động thái của Trung Quốc làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tiền tệ, nơi các nước lớn đua nhau phá giá đồng tiền của mình nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

Giới đầu tư bất an

Căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và việc Trung Quốc “thả nổi” đồng NDT khiến giới đầu tư thế giới bất an. Từ đầu tuần, thị trường chứng khoán thế giới đã xuất hiện nhiều biến động do làn sóng bán tháo cổ phiếu. Tại phố Wall, trong phiên giao dịch ngày 6-8, 3 chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều giảm điểm mạnh, trượt mức từ 2,9% đến 3,5%.

Đáng chú ý, cổ phiếu của các đại gia công nghiệp và công nghệ như Facebook, Amazon, Apple và Alphabet vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu thuộc nhóm mất điểm mạnh nhất. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán tại Nhật Bản, Hồng Công và London cũng đồng loạt giảm điểm.

Theo giới quan sát, diễn biến mới nhất trong quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã xóa tan kỳ vọng cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại, buộc các nhà đầu tư thay đổi những đánh giá trước đó vốn là nhân tố giúp chứng khoán Mỹ lập đỉnh trong năm nay.

Sự bi quan đó còn được phản ánh rõ trên thị trường trái phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn được coi là căn cứ xác định lãi suất cho vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp trên khắp thế giới, đã giảm từ 1,864% trong ngày 2-8 xuống còn 1,738% từ ngày 5-8. Lợi suất giảm khi nhà đầu tư mua vào trái phiếu, điều thường diễn ra khi họ xem đây là tài sản an toàn.

Theo Thanh Hằng (tổng hợp) / sggp.org.vn