Thực phẩm của tương lai
Ước tính, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ chạm ngưỡng 9,7 tỷ người, với tỷ lệ cư dân thành thị và tầng lớp trung lưu tăng dần, kéo theo sức tiêu thụ thịt ngày một lớn, dự kiến đạt 470 triệu tấn/năm.
Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc cảnh báo, nếu phương thức chăn nuôi như hiện tại được giữ nguyên thì có thể cung cấp đủ thịt cho dân số thế giới, nhưng hậu quả là diện tích rừng bị phá nhằm lấy đất sản xuất sẽ tăng gấp đôi, khiến lượng khí thải nhà kính tăng thêm 77%. Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng tăng trên thế giới hiện nay, đồng thời không làm gia tăng lượng khí thải nhà kính, việc nghiên cứu và sản xuất thịt nhân tạo đã dần trở thành xu hướng.
Từ những năm 2000, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tìm cách nghiên cứu và phát triển thịt trong ống nghiệm để cung cấp thức ăn cho phi hành gia khi thực hiện những chuyến bay dài ngày trong không gian. Tuy nhiên, thành công đầu tiên phải kể đến các mẫu thịt nhân tạo được phát triển từ Đại học Maastricht (Hà Lan) vào năm 2013 để làm nhân bánh hamburger, với chi phí sản xuất khoảng 330.000USD. Cho đến năm 2017, với tên gọi “Thực phẩm của tương lai”, thịt nhân tạo dần được nhân rộng tại Mỹ.
Xu hướng này dần lan rộng tại Trung Quốc và Nga. Riêng tại thị trường Trung Quốc, quốc gia đối phó với dịch tả heo châu Phi, người tiêu dùng buộc phải lựa chọn thịt heo nhân tạo với giá thành cao hơn thịt tươi từ tháng 8-2018. Thịt nhân tạo đã xuất hiện trong một loạt các sản phẩm thực phẩm ở Trung Quốc, từ bánh mì kẹp thịt, bánh bao cho đến bánh trung thu.
Ngoài nguyên nhân dịch tả heo châu Phi, thêm lý do khiến thịt nhân tạo bùng nổ tại Trung Quốc là do thói quen tiêu thụ thịt ở nước này. Hiện một người Trung Quốc trung bình ăn 74kg thịt heo, thịt gà hoặc thịt bò mỗi năm, tăng 30% trong 15 năm qua. Đất nước này đã trở thành một trong những nhà nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới. Thịt nhân tạo tại Trung Quốc hiện có giá cao hơn khoảng 50% so với thịt thông thường.
Theo đánh giá của các chuyên gia từ Ochakovo, sau 5 năm nữa, 1kg thịt bò nhân tạo sẽ có giá bán lẻ là 800 ruble (hơn 12USD). Nền nông nghiệp Nhật Bản cũng đang dần tiến vào cuộc đua sản xuất thịt nhân tạo. Gần đây, nhà sản xuất thịt Toriyama Chikusan Shokuhin đã ký thỏa thuận hợp tác với Just, trụ sở tại San Francisco, với tham vọng mang thịt bò Nhật Bản nhân tạo tới toàn thế giới.
Báo cáo của công ty tư vấn toàn cầu AT Kearney dự đoán, hầu hết nguồn thịt mà con người tiêu thụ vào năm 2040 sẽ không đến từ động vật bị giết mổ, 60% sẽ được tạo ra trong phòng thí nghiệm (chiếm 35%) hoặc được thay thế bằng các sản phẩm từ thực vật trông giống và có hương vị như thịt (25%). Quy mô thị trường thịt nhân tạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng 80% lên 21,2 tỷ USD vào năm 2025. Giới đầu tư trong ngành thực phẩm đều tin rằng, thịt nhân tạo sẽ là cuộc đua mới giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Nhiều thách thức
Ngày càng xuất hiện nhiều công ty nghiên cứu để làm thịt từ phòng thí nghiệm theo quy trình độc quyền mà không cần đến động vật, đồng cỏ, trại chăn nuôi cũng như không tạo ra các tác động môi trường như chất thải, khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng họ gặp phải nhiều thách thức từ giới truyền thông đến công chúng và ghi nhãn sản phẩm.
Hiện vẫn xuất hiện 2 luồng dư luận về việc có nên tiêu thụ và phát triển thịt nhân tạo hay không. Phía ủng hộ cho rằng, chỉ 2-3 năm nữa, thịt nhân tạo với giá phải chăng sẽ xuất hiện ở một số nhà hàng, còn trong 10 năm nữa, thịt nhân tạo sẽ tràn ngập siêu thị trên thế giới. Nếu đem ra so sánh, sản xuất thịt nhân tạo tốn ít diện tích hơn, vì nhà sản xuất có thể tiết kiệm bằng cách tận dụng không gian cao tầng.
Thịt nhân tạo lành mạnh hơn, vì chúng giúp người tiêu dùng tránh dung nạp các yếu tố gây ung thư có liên quan tới thịt đỏ và các hormone tăng trưởng cũng như kháng sinh trong chăn nuôi gia súc.
Bên cạnh đó, yếu tố thân thiện với môi trường của thịt nhân tạo là đáng kể khi lượng phát thải khí CO2 và các loại khí nhà kính, nguồn nước và đất cần để sản xuất sẽ ít hơn hẳn so với chăn nuôi gia súc lấy thịt. Quá trình sản xuất thịt nhân tạo xuất phát từ việc thu thập tế bào gốc từ một con vật. Sau đó, tế bào này sẽ được đưa vào môi trường giả lập tự nhiên. Kết hợp với việc nạp thêm vào đó những hợp chất cần thiết như hỗn hợp protein hay axit amin, tế bào sẽ phát triển thành những mô cơ.
Dù vậy, vẫn còn không ít người nghi ngờ rằng thịt nhân tạo không thực sự giảm lượng khí thải nhà kính. Ngoài ra, sự phát triển chóng mặt của thịt nhân tạo cũng gây nhiều tranh cãi và bị cho là đe dọa ngành chăn nuôi giết mổ truyền thống. Tại Mỹ, các hiệp hội gia súc liên tục kêu gọi người tiêu dùng “Hãy chọn lựa sự tự nhiên và nguyên bản”.
Vào tháng 8-2018, Missouri trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ ban hành lệnh cấm các nhà sản xuất thực phẩm gọi thịt nhân tạo là “thịt”. Luật của bang quy định từ “thịt” không được sử dụng cho bất cứ thứ gì không được sản xuất từ gia súc và gia cầm nuôi. Cá nhân hay tổ chức vi phạm có thể sẽ bị tuyên án 1 năm tù, bên cạnh số tiền phạt 1.000USD.
Ngoài ra, xu hướng này cũng vấp phải nhiều phản ứng nghi ngờ từ một số tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Các luồng tranh cãi còn xoay quanh các ý kiến cho rằng, thịt nhân tạo bị xử lý quá nhiều, chứa sinh vật đột biến gen (GMO) gây hại cho sức khỏe và không đem lại cảm giác hấp dẫn như thịt thật.
Trên hết, ngay cả khi mọi thứ suôn sẻ thì khả năng đáng ngại nhất là sự quan tâm của người tiêu dùng và thuyết phục họ đón nhận thịt nhân tạo. Theo một khảo sát gần đây đối với 3.000 người tiêu dùng tại 3 nước Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc, có đến 23,6% người Mỹ trả lời “không” cho câu hỏi: “Bạn có muốn mua thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không?”, trong khi con số này ở Trung Quốc, Ấn Độ lần lượt là 6,7% và 10,7%.
Theo Phương Nam / sggp.org.vn