Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tai họa từ món quà tặng cô giáo

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- „Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy“.

Ngoài tư duy truyền thống „tôn sư trọng đạo“ vốn có xưa nay, không ít các bậc phụ huynh khi có con em đến trường thường có suy nghĩ phải quan hệ mật thiết với thầy cô giáo để mong con mình được quan tâm hơn, gặp được nhiều thuận lợi trong quá trình học hành. Điều này có thể đúng và đã được vận dụng một cách „hiệu quả“ trong môi trường giáo dục Việt Nam.

Song ở Đức hay một số nước khác không hẳn sẽ đem lại những gì mong muốn. Đó là trải nghiệm mà bản thân một phụ huynh người Việt ở Berlin đã từng được chứng kiến.

Là một người kinh doanh, buôn bán nhỏ thuần túy và chưa hề va chạm với luật pháp Đức từ hàng chục năm nay kể từ khi đặt chân lên nước Đức, chị L. hết sức ngỡ ngàng khi nhận được giấy mời triệu tập của cảnh sát hình sự Berlin đề nghị giải trình về một vụ điều tra mà chính chị là người đang bị tình nghi với nội dung: „Điều tra nghi phạm đối với bà vì tội tạo vụ lợi cho người khác theo điều §333 StGB bộ luật hình sự“, (có thể hiểu đơn giản là tội „đút lót“ ở mức nhẹ). „Hiện trường nơi xảy ra vụ việc là lớp học của con bà tại trường điểm Heinrich-Hertz- Gymnasium Berlin tại địa chỉ…“.

Không hiểu hết nội dung giấy mời vì tiếng tăm có hạn, hơn nữa không bao giờ nghĩ rằng mình có thể là nghi phạm trong một vụ điều tra của cảnh sát hình sự, chị L. bức xúc cùng chồng tới văn phòng dịch thuật để nhờ giải thích rõ hơn. Tại đó, sau khi được nghe dịch lại toàn bộ nội dung bức thư và lục lại trí nhớ của mình chị mới ngã ngửa ra vì lý do cảnh sát đang điều tra chị.

Trong trường hợp này, cô giáo chủ nhiệm của lớp học đó thuộc diện công chức và không được phép nhận quà tặng quá mức quy định. Theo luật công chức Đức, thầy cô giáo chỉ được phép nhận quà tượng trưng trị giá tối đa 5 Euro. Quà tặng dưới mọi hình thức, đặc biệt tiền bạc và giấy có giá trị mua hàng từ mức vài chục Euro trở lên được coi là của „đút lót“ và nếu bị phát giác, truy tố có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ người nhận quà mà kể cả người đưa quà đều bị truy cứu trách nhiệm. Giới hạn mức trị giá quà tặng phụ thuộc vào đối tượng nghề nghiệp. Ví dụ cô nuôi dạy trẻ trường công, y tá hộ lý bệnh viện hay nhân viên công sở có thể bị mất việc khi nhận quà tặng bằng tiền. Quà tặng bằng hiện vật chỉ được phép trị giá tối đa 15 Euro. Người bảo quản và chăm sóc nhà ở Hausmeister cũng chỉ được phép nhận quà tượng trưng như bánh kẹo, hoa, quả, cà phê… Tiền mặt hoặc rượu bia được liệt vào diện cấm. Với thành phần thuộc diện công chức nhà nước, bộ đội sỹ quan, thẩm phán, tòa án…

Luật pháp còn có quy định ngặt nghèo hơn nhiều. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bản thân mỗi cá nhân, trong lời mở đầu  phong trào chống tham nhũng tại một thành phố ở Đức, thị trưởng thành phố này cho biết „tốt nhất là không nên nhận bất cứ thứ gì“.

Sự việc xảy ra đã hơn một năm nay và quả thực cũng không có gì ghê gớm so với những gì người ta biết được trong thực tế, song không vì thế mà nhà chức trách có lý do để khép lại hồ sơ mà không điều tra tiếp.

Hàng chục bức thư, giấy mời được gửi đến tất cả phụ huynh và học sinh có liên quan, lấy lời khai và thu thập bằng chứng để phục vụ công tác điều tra đến cùng. Với mức án có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tối đa tới 3 năm cho người bị buộc tội, từ những hành động tưởng chừng như „vô can“ thì trải nghiệm này của chị L quả là một bài học đáng để nhiều người trong chúng ta cũng phải chột dạ và suy ngẫm.

Nguyễn Văn Nghĩa

*Một số trang web copy trái phép bài của TBVĐ nên tòa soạn phải đóng hình để bảo vệ bản quyền. Rất mong độc giả thông cảm vì sự bất tiện này.

Ý kiến

  1. Tin này mới loan tải thì quá muộn rồi .Tôi từng chứng kiến các chị các anh bên Ost đông Đức ai cũng tu mua quà đắt tiền cho mấy bà cô Erzieherin .Mấy bà gạt phăng bảo là phải cho quà thì mấy vị Erzieherin mới quan tâm và lo cho con cái các chị ấy .Quen thói đút lót từ Xã hội chủ nghĩa nên đi đâu cũng có phong bì và quà .

Hoàn thành bình luận