Việc đề nghị Obama đọc điếu văn tại lễ tang cho thấy tâm nguyện hướng tới đoàn kết, gác lại hiềm khích McCain gửi tới nước Mỹ.
Là một thượng nghị sĩ trong suốt 6 nhiệm kỳ, John McCain luôn hiểu rằng ở Washington, ngay cả cái chết cũng mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Ở thời điểm gần đất xa trời, người anh hùng của nước Mỹ này đã để lại một thông điệp rất ý nghĩa bằng quyết định lựa chọn những người sẽ đọc điếu văn cho mình tại lễ tang ở Nhà thờ Quốc gia, theo CNN.
Một ngày đầu tháng 4, cựu tổng thống Barack Obama bất ngờ nhận được điện thoại của McCain, người đang chiến đấu với căn bệnh ung thư não, và nhận được câu hỏi: Ông có sẵn lòng đọc điếu văn tại tang lễ của tôi không?
Obama, người đã đánh bại McCain trong nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng cách đây một thập kỷ, ngay lập tức nhận lời. Các trợ lý cho biết Obama đã rất kinh ngạc khi nhận được lời đề nghị này, rất giống với cảm xúc của cựu tổng thống George W. Bush khi nhận được cuộc gọi tương tự từ McCain hồi đầu năm.
Việc McCain quyết định đề nghị Obama đọc điếu văn tại lễ tang khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi hai người từng là đối thủ cạnh tranh một cách quyết liệt trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.
Báo chí Mỹ lúc đó liên tục đưa tin về những cuộc đấu khẩu giữa hai ông về cuộc chiến ở Iraq cũng như nền kinh tế Mỹ. Trong những chủ đề tranh luận đó, McCain luôn cho rằng Obama quá ngây thơ và thiếu sẵn sàng cho chiếc ghế tổng thống, đặc biệt là đối với những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Các trợ lý, bạn bè của hai người cho biết ngay cả khi Obama mãn nhiệm, quan hệ giữa McCain và cựu tổng thống vẫn không trở nên quá thân mật, nhưng họ cùng có sự tôn trọng cao dành cho nhau và chia sẻ nỗi lo lắng về môi trường chính trị hiện nay của nước Mỹ. Cuộc gọi hồi tháng 4 cũng là do các trợ lý thu xếp, không phải McCain nhấc máy gọi thẳng cho Obama, chứng tỏ quan hệ giữa hai người chưa đến mức quá gần gũi.
Theo Jeff Zeleny, phóng viên cấp cao chuyên theo dõi Nhà Trắng của CNN, hai người trên thực tế chỉ trao đổi qua điện thoại vài lần kể từ khi Obama rời Nhà Trắng, nổi bật trong số đó là cuộc gọi ngắn gọn của Obama vào tháng 7 năm ngoái để cảm ơn McCain vì đã cứu đạo luật Obamacare tại thượng viện.
Obama cũng chưa từng có mặt trong các đoàn khách tới thăm McCain khi ông điều trị bệnh ung thư ở quê nhà Arizona. George và Laura Bush tới thăm McCain cách đây không lâu, cũng như cựu phó tổng thống Joe Biden, người bạn lâu năm của McCain ở thượng viện.
Zeleny cho rằng việc McCain quyết định nhờ Obama và Bush đọc điếu văn trong lễ tang là một thông điệp được thu xếp kỹ lưỡng, thậm chí là mang tính chiến lược, gửi tới nước Mỹ và thế giới nhân sự ra đi của mình.
Gác lại hiềm khích
Steve Duprey, người bạn lâu năm và là cố vấn cấp cao của McCain trong chiến dịch tranh cử năm 2008, cho rằng McCain rất tôn trọng Obama, dù hai người chưa bao giờ thực sự thân thiết và những tổn thương mà họ gây ra cho nhau trong cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn chưa khép miệng.
McCain và Obama từng tranh cãi nảy lửa tại thượng viện Mỹ vào năm 2006, khi hai người có quan điểm đối lập nhau về việc vận động hành lang tại quốc hội. Trong lá thư với đầy những từ ngữ chế nhạo gửi cho Obama lúc đó, McCain nói rằng ông thấy tiếc vì đã mời thượng nghị sĩ trẻ tuổi này vào nhóm mà ông lập ra để thảo luận về nỗ lực cải cách hoạt động vận động hành lang.
McCain cho rằng Obama lúc đó đang lợi dụng cuộc cải cách cho mục đích chính trị của riêng mình, thay vì tìm ra một giải pháp lưỡng đảng để hạn chế ảnh hưởng của tiền bạc đối với chính trị. Nhưng chỉ ba ngày sau, hai người lại hòa giải và bắt tay, tươi cười trước ống kính phóng viên ở Đồi Capitol.
Tuy nhiên, khi hai người đối đầu nhau trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, cuộc chiến giữa McCain và Obama trở nên quyết liệt. Điều khiến McCain khó chịu nhất là sự trỗi dậy của Obama, người tạo ra cảm giác về sự thay đổi và bầu không khí phấn khích mà ông từng tận hưởng trên chiếc xe tranh cử của mình hơn 8 năm trước.
Obama ban đầu còn e dè về việc chạy đua với một người nổi tiếng, một anh hùng chiến tranh như McCain, nhưng sau đó nhanh chóng tìm ra cách để tấn công đối thủ: So sánh McCain với Bush.
Obama hết lần này đến lần khác ví McCain như một bản sao của Bush trong các cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp năm 2008, cũng như trong các bài diễn thuyết trên khắp cả nước. “Tôi cho rằng John McCain cuối cùng cũng cho chúng ta thấy thực tế rằng ông và George Bush thực ra có rất nhiều điểm tương đồng”, Obama tuyên bố. “Điều quan trọng là chúng ta đều biết triết lý Bush-McCain như thế nào rồi”.
McCain sau đó đã thừa nhận thất bại và chúc mừng Obama trong cuộc bầu cử. Ông thậm chí còn bảo vệ Obama khi có người nêu nghi vấn vô căn cứ về nơi sinh của đối thủ.
Những hiềm khích giữa họ giờ đã lùi xa và trở thành lịch sử. Tất cả những gì đọng lại khi cả Bush và Obama cùng đọc điếu văn tại lễ tang sắp tới của McCain chỉ còn là sự hòa giải của những người từng là đối thủ, Zeleny nhận định.
“Tôi nghĩ rằng John McCain đã để lại bài học về phép văn minh khi đề nghị hai người từng đánh bại ông đọc điếu văn, như một minh chứng cho nước Mỹ rằng những bất đồng về quan điểm chính trị cũng như các cuộc đua tranh không quan trọng đến mức khiến chúng ta đánh mất mối liên kết và sự lịch thiệp vốn là một biểu tượng của nền dân chủ Mỹ”.
David Axelrod, cố vấn cấp cao của Obama trong chiến dịch tranh cử và ở Nhà Trắng, nói rằng thông điệp rõ ràng mà McCain đang phát đi là “về di sản chung của chúng ta, về niềm tin vào nền dân chủ vượt qua đảng phái”. “Nó là minh chứng cho thông điệp về sự đoàn kết quốc gia của McCain”, ông nói. “Việc ông muốn hai đối thủ trước đây đọc điếu văn cho mình thực sự có gì đó rất nên thơ”.