Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Sản xuất ảm đạm tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới

Ảnh minh họa

Việc nhiều nước suy thoái và người dân tăng chi cho dịch vụ thay vì hàng hóa đang đe dọa hoạt động sản xuất tại Mỹ, eurozone và Trung Quốc.

Theo khảo sát gần đây của hãng dữ liệu S&P Global, các nhà máy tại Mỹ và eurozone đều ghi nhận số đơn hàng mới giảm trong tháng 5. Hiện tại, họ vẫn đang giải quyết đơn hàng tồn, phát sinh từ thời kỳ đầu đại dịch. Dù vậy, hiện chưa rõ số đơn hàng này có thể giúp họ tiếp tục sản xuất được bao lâu.

Số liệu của S&P Global cũng cho thấy sản xuất của Mỹ giảm sút trong tháng 5. Khảo sát tương tự của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) cũng cho thấy hoạt động ngành này co lại tháng thứ 7 liên tiếp. Chỉ số giá sản xuất (PMI) tháng 5 do ISM công bố giảm mạnh hơn tháng trước đó.

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ tuần trước cũng cho thấy số đơn hàng nhà máy đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, tính đến hết tháng 4. Trừ lĩnh vực quân sự, các đơn hàng nhà máy đã giảm 4 trong 6 tháng gần đây.

Tại eurozone, số đơn hàng mới và đơn hàng tồn đều giảm trong tháng 5, theo S&P Global. Sản lượng công nghiệp khu vực này cũng giảm mạnh trong tháng 3.

Ở Trung Quốc, tình hình cũng không khá hơn. Ngành sản xuất tại công xưởng lớn nhất thế giới đã cải thiện trong tháng 5, theo chỉ số PMI do Caixin công bố. Tuy nhiên, xuất khẩu của nước này lại giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái – lớn nhất kể từ tháng 1. Điều này cho thấy nhu cầu hàng Trung Quốc giảm sút, trong bối cảnh nước này đối mặt với nhiều rắc rối khác, như tỷ lệ thất nghiệp tăng và bất động sản lao dốc.

Trên toàn cầu, chỉ số sản xuất JPMorgan Global Manufacturing PMI cũng cho thấy niềm tin của các hãng sản xuất hiện xuống thấp nhất nửa năm. “Dù lĩnh vực sản xuất có vẻ đã cải thiện phần nào trong tháng 5, điều này chủ yếu nhờ các thị trường mới nổi lớn. Triển vọng ngành này vẫn ảm đạm. Các đơn hàng xuất khẩu mới vẫn đang giảm mạnh”, Ariane Curtis – nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận xét.

Năm 2020, khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng trên toàn cầu giảm chi tiêu cho ngành dịch vụ, khiến sức mua hàng hóa bùng nổ. Việc này giúp đơn hàng của các hãng sản xuất tăng lên nhanh chóng.

Nhưng sau đó, khi các nước dần thích ứng, người dân cũng thay đổi thói quen chi tiêu, quay về các ngành dịch vụ. Ở Mỹ và châu Âu, lĩnh vực nhà hàng – khách sạn ghi nhận lượng du khách kỷ lục trong mùa hè. Việc chuyển hướng chi tiêu sang dịch vụ đã khiến các hãng sản xuất gặp rắc rối.

Việc Trung Quốc gần đây mở cửa trở lại sau nhiều năm phong tỏa ngặt nghèo được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo “tạo ra động lực mới” cho kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà phục hồi của nước này không mạnh như kỳ vọng.

“Nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu đang yếu, do người dân ngày càng chi nhiều cho dịch vụ, thay vì hàng hóa. Đó là lý do PMI ngành dịch vụ đang tăng lên”, Tom Garretson – chiến lược gia danh mục đầu tư tại RBC Wealth Management nhận xét.

Các ngân hàng trung ương cũng đang tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, bằng cách nâng lãi. Lãi cao kìm hãm nhu cầu chi tiêu, đồng thời khiến các ngân hàng siết tiêu chuẩn cho vay. Đây chính là trường hợp của Mỹ và eurozone, đặc biệt sau vụ sụp đổ của hàng loạt ngân hàng chỉ trong vài tháng.

Người dân thường vay mua hàng hóa lâu bền – như xe hơi, đồ gia dụng. Vì thế, khi tín dụng bị thắt chặt, các nhà sản xuất sẽ chịu sức ép. Về lâu dài, nếu nhu cầu hàng hóa tiếp tục yếu đi và số đơn hàng tồn co lại, các nhà máy toàn cầu sẽ cắt giảm nhân sự.

Trong khi đó, các nhà kinh tế tại Fed đến nay vẫn giữ dự báo Mỹ suy thoái nhẹ cuối năm nay, dù thị trường việc làm vẫn ổn định. Khu vực đồng euro và Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – cũng đã rơi vào suy thoái.

Đây không phải là tin tốt với các hãng sản xuất. Hãng gia công hàng điện tử Foxconn dự báo doanh thu từ mảng thiết bị mạng và đám mây năm nay đi ngang. Trong quý II, số liệu này còn bất ngờ đi xuống.

Monish Patolawala – Giám đốc Tài chính tại gã khổng lồ sản xuất 3M tháng trước cho biết mảng điện tử của họ “chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng sụt giảm”. Hồi tháng 4, 3M thông báo kế hoạch sa thải 6.000 nhân viên trên toàn cầu.

Một khảo sát do Hiệp hội Các nhà Sản xuất Mỹ công bố tuần trước cho thấy chỉ 67% hãng sản xuất Mỹ lạc quan về tương lai công ty. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ quý III/2020. Các thách thức hàng đầu với họ là giữ chân nhân viên tốt, kinh tế trong nước yếu kém và môi trường kinh doanh kém thuận lợi.

Hà Thu (theo CNN)

Nguồn: vnexpress.net