Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khép lại trong chiều ngày 18/10 tại Brussels mà không thu được kết quả gì nổi bật.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc trong ngày 18/10 mà không đạt được kết quả đáng kể nào trong các vấn đề như mở rộng khối, xác định ưu tiên chiến lược cũng như hoạch định ngân sách dài hạn.
Sau ngày làm việc đầu tiên tập trung toàn bộ cho vấn đề Brexit và được xem là thành công khi thông qua thoả thuận mới, Hội nghị Thượng đỉnh EU đã khép lại trong chiều ngày 18/10 tại Brussels mà không thu được kết quả gì nổi bật.
Trong vấn đề mở rộng EU sau khi nước Anh rời đi, các nước châu Âu vẫn đang chia rẽ lớn. Pháp cùng một nhóm gồm 3 nước khác đã phủ quyết việc EU bật đèn xanh cho các thảo luận sâu hơn về việc gia nhập khối của hai nước Bắc Macedonia và Albania, cũng như tỏ ý chưa sẵn sàng đón nhận các nước Tây Balkan.
Trong chủ đề về môi trường, được xác định là một trong các ưu tiên lớn nhất của EU trong những năm tới, các nước cũng không thống nhất được một chiến lược dài hạn khi mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm được 40% lượng khí phát thải so với mức những năm 90 không nhận được sự đồng thuận.
Chủ tịch đắc cử của Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, người sẽ chính thức nhận nhiệm vụ mới trong vài tuần nữa, muốn đưa mục tiêu này là từ ít nhất 40 cho đến 50% vào năm 2030 nhưng bị nhiều thành viên Đông Âu vốn phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện như Ba Lan, CH Séc hay Hungary phản đối. Điều này EU không thể hoàn tất chương trình hành động môi trường mới nhiều tham vọng trước khi diễn ra Thượng đỉnh khí hậu của Liên hiệp quốc vào tháng 12/2019 tại Chile.
Một chủ đề quan trọng khác là vấn đề ngân sách của EU trong giai đoạn 2021-2027 cũng được bàn thảo nhưng không thể thống nhất. Phần Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU đưa ra đề xuất ngân sách này sẽ chiếm từ 1,03% đến 1,08% tổng thu nhập quốc dân của các nước EU, tương đương từ 1 đến 1.100 tỷ euro. Tuy nhiên, con số này ít tham vọng hơn nhiều so với mục tiêu mà Uỷ ban châu Âu đặt ra là 1.300 tỷ euro.
Đức và một số nước Bắc Âu muốn thu hẹp ngân sách với lí do cần bù đắp cho việc nước Anh rời EU trong khi các thành viên Nam Âu muốn ngân sách lớn hơn để tài trợ cho các chương trình phát triển kinh tế của các nước này./.
Theo Quang Dũng / vov.vn