“Có nên cho trẻ học viết chữ và tập đọc trước khi vào lớp 1 không?” – có một thời gian, đây là câu hỏi gây tranh cãi với rất nhiều bậc cha mẹ Việt. 9 người thì 10 ý, và ai cũng có những lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình.
Tuy nhiên, bạn có biết ở nước Đức, trẻ em dưới 6 tuổi hoàn toàn không được học 1 chữ cái hay con số nào? Thậm chí, ở đất nước này còn có Hiến Pháp cấm giáo dục trước tuổi đi học cho trẻ. Học sinh ở các cấp lớn hơn cũng chỉ áp dụng chương trình học nửa ngày. Buổi chiều, trẻ không có bài tập về nhà, chỉ có các hoạt động ngoại khóa. Nhiều người còn nhận xét một câu tưởng như đùa mà lại thật: Giáo dục mầm non ở Đức chơi nhiều hơn học!
Tại sao lại khẳng định như vậy, đây là 1 số lý do:
1. Trẻ mầm non không học chữ và số
Phụ huynh Việt thường tự hào đi khoe với mọi người rằng con còn nhỏ đã có thể nói tiếng Anh vanh vách, đọc số, làm toán nhanh như gió, bảng chữ cái cũng đọc lòng như cháo chảy. Thế nhưng, người Đức lại quan niệm rằng ngoài chút hư vinh thì việc giáo dục trẻ trước độ tuổi lại “lợi bất cập hại”. Chính vì thế, tất cả trẻ em ở cấp mầm non không được dạy chữ và số. Pháp luật cơ bản của nước Đức cũng quy định rõ ràng rằng “Cấm thành lập trường giáo dục trước độ tuổi đi học” tại Khoản 6 điều 7.
Những gì thầy cô sẽ dạy trẻ cấp mầm non là các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như: tự lên xe bus công cộng, ý thức nơi công cộng, phân loại rác… Còn cha mẹ Đức sẽ dạy con tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Họ dạy mọi lúc, mọi nơi: trên bàn ăn, ngoài sân chơi, trong phòng ngủ…
2. Các cấp lớn hơn chương trình học chỉ nửa ngày và cực ít bài tập về nhà
Trường học của Đức đều áp dụng chương trình học nửa ngày với tất cả các cấp. Buổi chiều trẻ hầu như không có bài tập về nhà hoặc có nhưng rất ít. Thay vào đó, chương trình ngoại khóa cho học sinh được thiết kế đa dạng với nhiều hoạt động bổ ích.
Và nếu như học sinh mầm non bị cấm học chuyên ngành thì học sinh tiểu học cũng không được học thêm các giáo trình bên ngoài. Chương trình học không nặng nề, những đứa trẻ học như chơi và chơi như học.
Trẻ vào cấp 1 sẽ bắt đầu được học chữ, học con số, tô màu… và đặc biệt không bị ép phải cầm bút tay phải, viết chữ đứng hay xiên. Tất cả tùy theo sở thích và khả năng của trẻ.
Cha mẹ Đức cũng không bao giờ đem so sánh thành tích con mình với “con người ta”. Bởi họ tin rằng, mỗi đứa trẻ là một thiên tài trong lĩnh vực riêng của nó.
3. Không bắt con đọc sách
Ở Đức hiện có gần 11.000 thư viện. Điều đặc biệt là người dân Đức đến thư viện nhiều hơn cả rạp chiếu bóng và sân vận động. Thế nhưng, một điều thú vị là các bậc phụ huynh ở nước này không hề ép buộc, nài nỉ con đọc sách. Thậm chí, các lớp mẫu giáo ở thủ đô CHLB Đức không quan trọng việc học hành và bổ sung kiến thức. Cả những năm học cấp 1, việc học hành với cha mẹ và trẻ em Đức thực tế cũng không quá quan trọng. Vì thế, chuyện đọc sách cũng không bị bắt buộc. Phần lớn thời gian của một đứa trẻ là để vui chơi và tìm hiểu những kiến thức về xã hội.
Tuy thế, cha mẹ Đức lại có những cách tác động khiến đứa trẻ cảm thấy thích và muốn đọc sách. Trẻ em sẽ yêu thích sách vì chúng cảm thấy vậy chứ hoàn toàn không vì bị ép buộc.
4. Khuyến khích trẻ ra ngoài chơi mỗi ngày
Từ trước giờ, trẻ em Đức được cha mẹ “thả” ra ngoài chơi mỗi ngày. Hoạt động vui chơi ngoài trời rất được coi trọng. Chính vì vậy không ngạc nhiên khi tại Berlin có vô số sân chơi ngoài trời cho trẻ nhỏ.
Người Đức còn có một câu nói nổi tiếng: “Không có thời tiết xấu, chỉ có bộ quần áo không phù hợp” như 1 minh chứng cho việc các bậc phụ huynh khuyến khích con ra ngoài bất chấp nắng mưa.
Đặc biệt, người Đức cũng rất chú trọng tới sở thích và sở trường của từng đứa trẻ. Nếu chúng thích thú với bộ môn nghệ thuật nào như vẽ, hát, đàn, múa… thì các em hoàn toàn có quyền theo học những thứ đó ở một câu lạc bộ nào đó, thậm chí có những nơi còn dạy hoàn toàn miễn phí.
Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao sản phẩm “made in Germany” lại đứng top đầu thế giới? Rồi chiếc xe hơi của Đức lại đắt đỏ tới vậy? Bởi vì ở đó kết tinh sự chuyên tâm, sự kiên trì và sự chất lượng của con người Đức. Và chính sự giáo dục học mà chơi, chơi mà học đã đào tạo nên được những con người kỷ cương, bản lĩnh, có khả năng khiến thế giới phải ngã mũ ngưỡng mộ.