Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Vì sao Tây Đức gửi hàng nghìn tấn vàng sang Mỹ, Anh, Pháp trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh?

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

Đức có trữ lượng vàng khổng lồ lên tới 3.400 tấn, chỉ kém siêu cường Mỹ nhưng hơn 1 nửa số vàng được coi là “Bảo tàng cuối cùng của ý chí Đức” lại gửi ở New York, London và Paris.

Ảnh: nguồn https://pixabay.com

Kho vàng an toàn nhất thế giới

Kho vàng Manhattan của Ngân hàng Dự trữ liên bang New York (FRB) được đánh giá là an toàn nhất thế giới, số vàng của Đức được đặt dưới hầm thứ năm của kho dự trữ này.

Kho vàng này cách mặt đất khoảng 25m, thấp hơn mặt nước biển 15m. Muốn vào được phải vượt qua địa đạo quanh co và năm cửa sắt rất kiên cố. Ở trước cửa ra vào, nhân viên bảo vệ được trang bị vũ khí canh gác rất nghiêm ngặt. Trên cửa ra vào có dòng chữ: “Vàng là thứ không thể ngăn cản nổi”.

Sau khi một nhân viên của FRB tiến hành một số thao tác, khóa được mở ra, tiếp đó, nhân viên bảo vệ sẽ di chuyển cánh cửa nặng tới 90 tấn và những bức tường vàng lấp lánh sẽ ngay lập tức đập vào mắt người xem.

Kho vàng này cũng chính là kho vàng lớn nhất thế giới, đã giữ hơn 550.000 thỏi vàng với giá trị lên tới 90 tỷ USD, mỗi thỏi nặng khoảng 12,5kg, dài 25mm và hàm lượng vàng đạt 99,5%. Các biện pháp bảo hộ tại đây khá phức tạp, chỉ cần một thao tác sai, tất cả các cửa sẽ tự động đóng chỉ sau đó 5s. Trong 80 năm qua, chưa ghi nhận bất kỳ một trường hợp đột nhập nào vào lô cốt này.

Kho vàng FRB được mệnh danh là “Hộ vệ vàng ròng”, đã có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tin tưởng ký gửi tài sản, gồm cả đồng minh và “đối thủ” của Mỹ. Thông tin cá nhân của khách hàng được bảo đảm khi chỉ có số lượng vàng được công khai thay vì quốc tịch, lai lịch của khách hàng.

Theo Ster, Đức không ít lần yêu cầu được “ngó qua” lượng vàng dự trữ của nước này nhưng Mỹ đã khước từ và đưa ra lý do rằng: “Điều này có khả năng gây ra những vấn đề an ninh”.

Báo Đức cho rằng, hình thức “đãi ngộ” này còn thua xa quyền lợi mà các khách vãng lai của FRB được hưởng. Ít nhất, họ chỉ cần đề xuất từ trước đó và có thể đi thẳng thang máy tới hầm vàng tham quan, cũng như có thể chụp ảnh chung với cánh cổng kim loại bảo vệ này.

Năm 2007, quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương Đức cuối cùng cũng được phép nhìn lướt qua số vàng của nước này, cũng như cầm và đọc trọng lượng của một vài thỏi. Về việc này, FRB yêu cầu phía Đức không được công bố chính xác tình hình.

Di sản của kỳ tích tăng trưởng

Lượng vàng dự trữ của Đức hiện nay là di sản của kỳ tích tăng trưởng kinh tế. Kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, Tây Đức tăng cường phát triển công nghiệp có ưu thế, trừ ngành công nghiệp ô tô thì các ngành chế tạo máy móc và công nghệ hóa học đều bứt phá. Từ năm 1950-1970, kinh tế Đức tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc trên 10%.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Tây Đức gần như không có dự trữ vàng, phải đến năm 1951, Ngân hàng Trung ương Liên bang Tây Đức – Tiền thân Ngân hàng trung ương Đức bây giờ mới mua 500kg vàng đầu tiên.

Sau đó, trữ lượng vàng của Đức ngày một tăng, sau 20 năm, nước này đã trở thành nước có dự trữ vàng lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, trong xã hội Tây Đức lúc này cũng xuất hiện cơn sốt mua vàng, tổng khối lượng vàng giao dịch thậm chí còn nhiều hơn cả dự trữ vàng quốc gia.

Chính phủ Tây Đức khi ấy cho rằng, dự trữ vàng có thể xây dựng lòng tin trong nước, đồng thời khi khủng hoảng tài chính có thể nhanh chóng đổi vàng thành ngoại tệ trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Theo Ster, trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh, Tây Đức do lo lắng mối đe dọa từ Liên Xô nên đã quyết định cất số vàng tích trữ ở nơi càng xa Đông Âu càng tốt.

Trong thời gian này, Tây Đức cũng đang có lượng xuất siêu thương mại khổng lồ đối với Anh, Pháp và Mỹ. Vì vậy, nước này đã cung cấp một số khoản vay cho Anh, Pháp và Mỹ, đồng thời, đưa ra thỏa thuận miệng rằng Tây Đức sẽ cất giấu vàng tại những quốc gia kể trên.

Tranh thủ sự bảo trợ của Mỹ

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ triển khai kế hoạch Marshall, giúp đỡ Tây Đức khôi phục hệ thống kinh tế. Thông qua việc tham gia tổ chức phát triển hợp tác kinh tế, Tây Đức đã nhận được viện trợ mọi mặt của Mỹ từ tài chính, kỹ thuật cho tới trang thiết bị.

Sau này, Thống đốc ngân hàng trung ương Tây Đức nhiệm kỳ 1958-1969 được biết đến dưới tên Brayson từng tự tay viết một giấy cam kết đảm bảo với Mỹ rằng, Tây Đức sẽ không đổi tiền mặt thành vàng ròng nhằm giữ ổn định tài chính quốc tế.

Sau khi Tây Đức đem vàng gửi vào Mỹ, quân đội Lầu Năm Góc đã lập tức tăng cường hiện diện tại Tây Đức, đặc biệt là khu vực lân cận trung tâm tài chính Frankfurt vốn chỉ cách Đông Đức chưa đầy 100km, với hơn 10.000 quân đồn trú. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ còn bí mật bố trí cơ sở hạt nhân tại đây.

Đến ngày nước Đức thống nhất, hơn 90% dự trữ vàng của nước này nằm bên ngoài lãnh thổ. Người Đức khi đó đã bắt đầu tính tới việc làm thế nào để xử lý số vàng ấy, có người thậm chí còn nghi ngờ lượng vàng đang gửi ở nước ngoài có thực sự tồn tại hay không.

Năm 1998 sau khi Gerhard Schroeder lên làm Thủ tướng, đã yêu cầu Ngân hàng trung ương Đức đề ra kế hoạch rút lượng vàng dự trữ về nước. Hai năm sau, Ngân hàng trung ương Đức quyết định rút vài trăm tấn vàng từ nước Anh, để hạn chế chi phí bảo quản do đối phương đưa ra.

Tính đến đầu năm 2017, Ngân hàng Trung ương Đức đã chuyển số vàng thỏi trị giá 13 tỷ USD từ New York về Frankfurt, một phần trong kế hoạch nhằm đưa khoảng một nửa dự trữ vàng cất ở nước ngoài của nước này về nước.

Lâm Oanh (theo báo điện tử Tri thức trẻ)