TBVĐ- Từ năm 1957, hệ thống pháp lý Đức bắt đầu áp dụng quy chế phạt tiền qua lệnh phạt theo mô hình Bắc Âu.
Phạt tiền qua lệnh phạt (Strafbefehl) là một hình thức thông dụng được cơ quan pháp lý Đức dùng để xử phạt các đối tượng phạm pháp không nghiêm trọng.
Khi nào được phép phạt tiền thay cho phạt tù?
Từ năm 1957, hệ thống pháp lý Đức bắt đầu áp dụng quy chế này theo mô hình Bắc Âu. Những bị can chưa có tiền án tiền sự, hay chưa bị án treo, thường sẽ không nhận án tù giam mà án phạt tiền, tính theo ngày.
Tòa án không tuyên án một mức phạt tiền cụ thể, mà kết án bị cáo theo một số ngày phạt (Tagessätze) nhất định. Mỗi ngày phạt được quy ra tiền, do vậy bị cáo sẽ phải trả một số tiền phạt tính bằng số ngày nhân số tiền mỗi ngày: Lời tuyên án thường có nội dung như sau: “Bị cáo X bị kết án phạt tiền bằng 20 ngày phạt, mỗi ngày 100 Euro”.
Cách tính số tiền phạt
Để có thể đảm bảo tính chất công bằng trong xét xử, các cơ quan pháp lý Đức đã sử dụng quy định mức phạt tiền cho một ngày để tính số tiền tổng cộng mà bị cáo phải nộp. Mức tiền ngày dựa vào hoàn cảnh cá nhân và kinh tế của bị cáo, thông thường tính theo thu nhập cầm tay tại thời điểm tuyên án (chứ không phải tại thời điểm gây án), tối thiểu một Euro và tối đa 30.000 Euro/ngày.
Thu nhập cầm tay gồm các thu nhập từ lao động, tự hành nghề, tiền lãi từ tài sản, tiền cho thuê nhà xưởng, hưu trí hay tiền cấp dưỡng. Ví dụ: Cùng một tội phạt 20 ngày, nhưng người có thu nhập cao sẽ phải trả 100 Euro/ ngày, tính thành tổng 2000 Euro. Trong khi đó người có thu nhập thấp có thể chỉ phải trả năm Euro/ngày, tổng bằng 100 Euro.
Luật pháp cho phép các tòa án tuyên án bị cáo mức phạt tiền tính theo ngày trong khoảng từ năm đến 360 ngày (theo điều 40 Bộ luật hình sự StGB). Tuy nhiên trên thực tế, mức án thường được sử dụng nhất là 30 ngày (một tháng lương), tiếp đến 40 và 60 ngày. Rất ít có mức án 10 hay 20 ngày (ví dụ cho tội trộm cắp vặt) hoặc ở mức 90 ngày (lừa đảo không ở mức độ nghiêm trọng)
Phân loại phạt theo đối tượng cụ thể
Đối với những người không có thu nhập: Giới pháp lý cho tới nay vẫn tranh luận về vấn đề tính tiền phạt ngày đối với người không có thu nhập riêng. Có nhiều ý kiến cho rằng ví dụ thu nhập cầm tay của một bà nội trợ không lao động được tính bằng một nửa thu nhập của cả gia đình (Tòa án OLG Hamm 1976).
Trong trường hợp người vợ làm việc không lương tại doanh nghiệp của chồng (ví dụ như tại quán ăn hay cửa hàng vải), người ta có thể tính thu nhập này bằng số tiền lãi hàng tháng. Với sinh viên, học sinh, thực tập sinh, học nghề, khi xét phạt các đối tượng này, tòa án xe xét các khoản thu nhập của bị cáo như tiền cha mẹ cho hàng tháng, học bổng, tiền lãi từ tài sản nếu có. Các thu nhập do làm thêm của bị cáo loại này có được tính vào thu nhập cầm tay hay không, trên thực tế hoàn tòan phụ thuộc vào chánh án xét xử.
Đối với các đối tượng thu nhập rất thấp, như người thất nghiệp hay sống bằng trợ cấp xã hội, các tòa án thường xem xét các điểm sau: lương thất nghiệp, trợ cấp, tình trạng lao động hiện nay và trước kia, khả năng sắp đi làm hay không. Thường cũng vì lý do thu nhập thấp mà bị cáo sau đó có khả năng xin trả dần mức tiền phạt (Ratenzahlung).
Khi nào phạt giam
Nếu hội đồng xét xử cho rằng mức độ gây án nghiêm trọng, không thể phạt tiền, chánh án sẽ phải xem xét mức độ phạt giam (Freiheitsstrafe). Trường hợp bị cáo còn trong độ tuổi thanh thiếu niên (đến 18 tuổi), tòa án sẽ xử theo luật hình sự dành cho thanh thiếu niên mức án Jugendstrafe dưới khung hình phạt từ sáu tháng đến 10 năm.
Đối với các bị cáo trong độ tuổi từ 18 đến 21, thuộc đối tượng trưởng thành (Heranwachsender), tòa án có thể lựa chọn để áp dụng luật hình sự cho thanh thiếu niên (Jugendstrafrecht) hay bộ luật hình sự cho người lớn (Erwachsenenstrafrecht).
Thường các mức án dưới một năm tù giam sẽ được chuyển thành án treo nếu bị cáo vào thời điểm gây án không nằm trong diện thử thách vì một bản án trước đó. Mức án từ một năm đến hai năm trở lên, tòa án sẽ xem xét để quyết định bị cáo có phải chịu án hay không. Mức án từ hai năm trở lên về lý thuyết sẽ không được chuyểnt thành án treo. Trong trường hợp phải chịu án tù giam, thời gian bị bắt đề điều tra (Untersuchungshaft) được trừ vào mức án mới tuyên bố.
Sau khi chịu án 2/3 thời gian (ở một số trường hợp đặc biệt có thể sau nửa thời gian), bị cáo có thể làm đơn xin ân xá, chuyển phần phạt giam còn lại thành án thử thách. Quyết định về việc này thuộc hội đồng thi hành án (Strafvollstreckungskammer) của phủ tòa nơi bị cáo đang chịu án tại trại giam.
Việc ân xá hưởng án treo bao giờ cũng kèm theo thời gian thử thách (Bewährungszeit), ít nhất là hai năm và cao nhất là 5 năm (điều §56 a StGB) và một số điều kiện khác, ví dụ như trình báo cảnh sát đều đặn hay trả một số tiền cho tổ chức công ích nào đó.
Tòa cũng sẽ chỉ định một người phụ trách (Bewährungshelfer), có trách nhiệm theo dõi và giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập vào cuộc sống trong thời gian thử thách. Trong khoảng thời gian thử thách này, nếu đối tượng phạm pháp hay vi phạm các điều kiện Auflage đặt ra, tòa án có thể sẽ rút bản án treo lại và bị can sẽ phải chịu nốt mức án tù giam.
Hoài Nam