Cơ quan công an có thu giữ một quyển sổ tay của nam sinh, trong đó có hai bức thư từ biệt, một bức thư gửi cho ba mẹ và một bức gửi cho các bạn trong lớp. Nội dung trong hai bức thư có nói đến áp lực học tập và áp lực từ gia đình mong muốn em có điểm số tốt hơn. Được biết, kết quả thi học kỳ 1 vừa qua, điểm trung bình của C. đạt 8,9 điểm, trong đó một số môn có điểm số rất cao như Tin học 10, Vật lý 9,5, Lịch sử 9,6, Địa lý 9,1…
Sáng 12-4, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TPHCM) xung quanh vụ việc một nam sinh lớp 10 của trường này vừa nhảy lầu tự tử tại trường vào ngày 10-4.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Tín cho biết, vào khoảng 5 giờ 15 sáng 10-4, khi tất cả học sinh nội trú đang trong giờ tập thể dục, một số giáo viên đã phát hiện em T. T. C., học sinh lớp 10E3, đang theo học tại cơ sở 3 (T15, đường Mai Lão Bạng, phường 13, quận Tân Bình) đứng trên mái tôn lầu 4 (dãy phòng học của nhà trường). Ngay lập tức, các giáo viên đã gọi em xuống nhưng em không trả lời.
Một giáo viên sau đó cố gắng lên lầu 4 để thuyết phục em nhưng em không nói gì và có ý ra gần mép mái tôn hơn.
Rất nhanh sau đó, giáo viên trực tiếp quản lý em cùng hai học sinh chơi thân với C. có mặt và cũng lên mái tôn để thuyết phục em.
Trong khi bạn bè và thầy cô ra sức khuyên nhủ, phía dưới nhân viên bảo vệ cùng nhiều giáo viên khác trong trường đã trải thảm tập thể dục, xếp chồng chăn, nệm để đề phòng trường hợp em nhảy xuống.
Sau khi nói chuyện với hai người bạn, C. bước vào trong vài bước, cách hai người bạn của mình khoảng 3m. Mặc cho các bạn tiếp tục khuyên nhủ, C. vẫn không nói gì, chỉ khóc rồi cười. Sau đó, em bất ngờ lùi lại, quay đầu rồi chạy đến phía mép tôn, lao mình xuống đất.
Do khi quay đầu, em va vào một cành cây gần đó khiến người bị đổi hướng nên toàn bộ chăn, nệm kê sẵn bên dưới đã không đỡ được em. Nhà trường nhanh chóng đưa em đến bệnh viện cấp cứu nhưng em đã không qua khỏi.
“Chúng tôi đã báo ngay cho Công an quận Tân Bình xuống hiện trường điều tra và thu thập chứng cứ. Công an có thu giữ một quyển sổ tay, trong đó có hai bức thư từ biệt, một bức thư gửi cho ba mẹ và một bức gửi cho các bạn trong lớp. Nội dung trong hai bức thư có nói đến áp lực học tập và áp lực từ gia đình mong muốn em có điểm số tốt hơn”, thầy hiệu trưởng cho biết.
Sau đó, nhà trường đã liên hệ gia đình em ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Tại cơ quan điều tra, gia đình đã đọc thư từ biệt của con.
Theo lời ông Lê Trọng Tín, “gia đình xác nhận không trách cứ gì nhà trường và hai bên sẽ cùng phối hợp để lo hậu sự cho em”.
Về phía nhà trường, sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, giáo viên chủ nhiệm ở tất cả các lớp đã giải thích, làm công tác tư tưởng đối với học sinh để ổn định tâm lý các em.
Qua sự việc lần này, lãnh đạo nhà trường thừa nhận thiếu sót đã không quan tâm, sâu sát biểu hiện tâm lý của từng học sinh. Ngoài ra, hiệu trưởng cũng thừa nhận phương pháp giáo dục nghiêm khắc của nhà trường, một mặt có thể giúp các em đạt thành tích cao trong học tập, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của chính các em và gia đình nhưng mặt khác cũng khiến một bộ phận nhỏ học sinh chưa thích nghi được.
“Việc xảy ra có phần trách nhiệm của chúng tôi. Thời gian tới, nhà trường sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tâm lý của học sinh, đặc biệt với những em có dấu hiệu yếu về mặt tâm lý”, ông Lê Trọng Tín cho biết.
Được biết, kết quả thi học kỳ 1 vừa qua, điểm trung bình của C. đạt 8,9 điểm, trong đó một số môn có điểm số rất cao như Tin học 10, Vật lý 9,5, Lịch sử 9,6, Địa lý 9,1…
Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến hiện đang hoạt động với 4 cơ sở, 6.500 học sinh đang theo học. Riêng cơ sở ở phường 13, quận Tân Bình (nơi em C. thiệt mạng) đang có 2.800 học sinh theo học.
Theo Thu Tâm / sggp.org.vn