TBVĐ- Rất nhiều vụ tai nạn xảy ra ở Đức mà nạn nhân tử vong chỉ vì xe cứu thương bị cản trở, không thể chạy đến hiện trường kịp thời.
Mỗi năm ở Đức có nhiều vụ tai nạn xảy ra với kết quả đáng tiếc, mà lỗi lớn nhất lại chính ở các xe tham gia giao thông. Vì quên, tò mò, lười, có khi còn cố tình không chạy xe dẹp sang hai bên làn đường để mở đường cho xe cứu hỏa, cứu thương.
Xe cứu hộ không tiếp cận được nạn nhân
Đầu tháng 8-2015, theo báo Focus, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc A2 thuộc khu vực Potsdam. Một xe vận tải hạng nặng đâm vào xe vận tải khác. Khối ván nặng sau xe dồn lên trước, kẹp chặt nạn nhân. Đường cứu nạn bị ùn tắt, các nhân viên cứu hỏa không thể đến kịp, nạn nhân tử vong. Theo báo “B.Z.”, có những chỗ bị chặn bởi ba chiếc xe vận tải hạng nặng, nhiều người còn xuống xe vì muốn nghe ngóng tình hình.
Đến tháng 2-2016, một người phụ nữ 54 tuổi cũng bị tai nạn trên đường cao tốc A33 tại Osnabrück, bị thương nặng. Tuy nhiên, theo báo NOZ (Neue Osnabrücker Zeitung), khi xe cứu thương tới nơi thì không có đường trống để chạy vào hiện trường. Nhân viên cứu hộ phải xuống xe và hướng dẫn mọi người đỗ xe dẹp sang hai bên. Ông Gerhard Glane, nhân viên cứu hỏa thuộc đội cứu hỏa thành phố Georgsmarienhütte, đã phê phán chi tiết này là “một thảm họa” bởi nó có thể dẫn đến hậu quả xấu nhất.
Theo báo Hessenschau, cuối tháng 2-2017, một xe vận tải nhỏ đã đâm mạnh vào một xe con khi chuyển làn trên đường cao tốc A67. May mắn là không ai bị thương, nhưng phía cảnh sát ước tính mức thiệt hại lên tới 30.000 euro. Xe cứu hộ đã bị các xe con gây cản trở khi vào cấp cứu hai nạn nhân, phải mất tới hơn một giờ mới giải quyết được sự việc. Chỉ 3-4 ngày sau, trên đường cao tốc A7 tại Kassel nơi xảy ra một vụ tai nạn khác, nhân viên cứu hộ và cứu hỏa phải đi bộ 2 cây số để tới hiện trường. Nói với báo Spiegel, đội cứu hỏa cho biết cả đoạn bị tắc nghẽn kéo dài 6 cây số mà càng đến gần hiện trường, không chừa luồng đường nào trống cho xe cứu thương.
Cách tạo đường cấp cứu
Nếu bạn đang chạy xe ở làn bên trái thì chạy sát hết sang bên trái đường; nếu bạn đang chạy xe ở các làn còn lại (làn giữa (nếu có) và làn ngoài cùng bên phải) thì cùng dẹp sang hết bên phải. Trong trường hợp cấp cứu thì đếm từng giây từng phút – và sống chết của nạn nhân là nhờ vào con đường này! (Im Ernstfall rettet diese Gasse Leben!)
Vô cảm và phạm luật
Gần đây nhất là ngày 15-3-2017, một nhân viên cầu đường (49 tuổi) đã ngã từ trên giàn giáo ở độ cao 5 mét xuống dưới một đoạn đường A5 (hướng chạy xuống phía Nam) và bị thương nặng. Mặc dù cảnh sát có dùng hẳn xe con để chỉ dẫn mọi người rời khỏi luồng giữa làm đường cấp cứu, nhưng như ông Theo Herrmann, nhân viên cứu hỏa tại Mörfelden, kể lại với báo Hessenschau thì “chúng tôi đã mất tới 20 phút để chạy qua 2 kilomet đầu, sau đó không thể tiếp tục lái xe, phải vứt xe ở đó, khoác túi cứu thương chạy bộ thêm 800 mét đến hiện trường.” Không ngờ rằng, những người tham gia giao thông không những không giúp đỡ và thông cảm, còn chế giễu, cười nhạo.
Hiện đội cứu hỏa Mörfelden đã chụp ảnh và gửi đơn khởi kiện gần 30 chủ xe vì tội không nhường đường cấp cứu, cản trở người thi hành công vụ. Ông Herrmann nhấn mạnh: “Tôi chưa từng thấy bây giờ nhiều người lại vô tâm như vậy!”.
Trách nhiệm nhường đường cấp cứu (Rettungsgasse) của mỗi người tham gia giao thông là bắt buộc và được quy định trong điều 1, đoạn 2 Bộ luật giao thông đường bộ (Straßenverkehrsordnung in Paragraph 11, Absatz 2) – kể cả khi không có tai nạn hay sự cố nào xảy ra. Nếu không chấp hành sẽ bị xử phạt hành chính 20 euro/người. Ở Áo mức phạt này cao hơn rất nhiều (726 Euro).
Minh Quân
Gia tăng mức phạt theo thu nhập Tiếp xúc báo chí hôm 20-3 vừa qua tại Erfurt, Bộ trưởng Nội Vụ bang Thüringen, ông Holger Poppenhäger đề nghị thay đổi mức phạt dành cho người chặn đường cấp cứu, không chỉ dừng ở mức đổ đồng 20 euro, mà tính theo mức thu nhập dựa theo cách tính trong Luật hình sự, nghĩa là mức phạt khi vi phạm luật này phải tăng theo mức thu nhập. |