Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Cách dành dụm tiền khi sống ở Đức

TBVĐ xin chia sẻ với độc giả bài viết của Thạc Sỹ Karin Puttfarken, Viện Đại Học Hamburg, CHLB Đức về cách dành dụm tiền mà tác giả rút ra được sau bao năm sống ở Đức.

Tôi sang Đức định cư năm 1975. Từ khi chân uớt chân ráo đến lúc hoà nhập vào cuộc sống Đức là thời gian tôi phải học hỏi nhiều điều để thích nghi với môi trường sống mới, vì vậy nên tôi muốn chia xẻ một vài kinh nghiệm về đề tài dành dụm tiền qua bài viết này.

Chia rõ hai phần “thu nhập” và “chi tiêu”: Muốn quản trị tài chính và thu nhập các nhân để tiết kiệm được tiền, trước hết phải lấy giấy bút ra ghi rõ hai phần là thu nhập và chi tiêu. Chia tờ giấy ra làm hai phần, bên trái là thu nhập, bên phải là chi tiêu. Tiền thu nhập có thể tính tiền lương mỗi tháng hay tính cả năm, tức là 13 tháng hay hơn, tùy nơi làm việc. Nếu chỉ tính mỗi tháng thì có thể dành dụm được tiền thưởng cuối năm. Thu nhập gồm tất cả các khoản tiền mỗi tháng, từ việc làm chính đến việc làm phụ, từ tiền cho mướn nhà đến tiền lời trong ngân hàng. Mỗi trường hợp mỗi khác. Nói chung, số tiền này có dấu (+), tức là vào ngân sách của mình. Bên tay mặt là chi phí, tượng trưng bằng dấu (-), tức là số tiền phải trang trải mỗi tháng.

Chia chi phí ra làm hai loại: chi phí cố định và chi phí không cố định, tức là có thể cao hơn, có thể thấp hơn mỗi tháng. Chi phí cố định là tiền nhà, tiện nước, tiền xe, học phí.
Chi phí không cố định là tiền du lịch, thực phẩm, tiền ăn hàng ăn quán, tiền mừng cưới xin, sinh nhật, hội hè, tiền mua quần áo, nữ trang, mỹ phẩm v.v.

Tiền cho mướn nhà: Ai có thu nhập thấp thì ở ghép để tiết kiệm tiền nhà. Ai có nhà cửa rộng thì cho mướn để có thu nhập. Hãng airbnb cộng tác việc cho mướn nhà hay phòng rất hiệu nghiệm. Lên mạng để xem giá phòng nơi mình ra sao, rồi xem địa điểm nhà mình thuận tiện hay không mà tính giá. Khách du lịch, tây hay ta gì cũng vậy, phải trả tiền trước ngay khi đặt phòng. Như vậy là chủ nhà nắm dao đằng chuôi rồi. Sau khi khách đến ở trong căn phòng thì chủ nhà mới nhận được tiền mướn chuyển ngân vào tài khoản của mình. Mỗi ngày, mỗi phòng cũng mang lại ít nhất 10 euro, mỗi tháng có 300 euro rồi. Chủ nhà có trả thuế hay không thì tôi không biết, không phải nhiệm vụ của tôi. Khách tây thì mình đón họ ở nhà ga, ở phi trường, tính tiền riêng, viết ngay trên mạng, giao giá trước với họ. Họ muốn thì đặt xe, không muốn thì thôi. Nhiều chủ nhà nấu luôn cho khách ăn, giao giá điểm tâm bao nhiêu, ăn bữa chính giá bao nhiêu, dạy họ nấu ăn giá bao nhiêu. Ai muốn thì đặt, cũng như đặt điểm tân trong khách sạn vậy. Khách tây thứ nào ra thứ đó, không lằng nhằng nhằng như người Việt.

Tiền mua bàn ghế, đồ đạc trong nhà, tiền sửa nhà không phải chi mỗi tháng, thường chỉ khi có tiền dành dụm được, nhưng cũng có khi cần gấp phải bỏ ra, thí dụ như nhà dột, cống hư.

Như vậy thì bảng kê khai này cho ta thấy rõ là những khoản tiền cố định không thể tiết kiệm được. Lý thuyết nói là người ta chỉ nên mướn nhà với giá khoảng 25-30% số lương hàng tháng. Trong trường hợp này, 25-30% số lương nào đây? Ở những thành phố lớn thì tiền mướn nhà rất cao, chỉ có người có số lương cao mới mướn nổi. Vì vậy thì người có lương thấp chỉ còn cách là hoặc ở nhà nhỏ hẹp, hoặc ở nhà xa thành phố, tức là mướn nhà ở ngoại ô, ở „ruộng“. Như vậy, tiền xe tăng lên vì mỗi ngày phải chạy khoảng cách xa đến sở làm và tốn nhiều thời giờ. Chỉ còn cách là làm kiếm nghề khác, công việc khác với số lương cao hơn thêm để tăng thu nhập hoặc đi xe chung với người khác, tức là hai người đi cùng một xe gắn máy. Điều này không dễ làm vì mỗi người làm mỗi sở và mỗi người làm mỗi giờ khác nhau. Phải lên mạng để kiếm người có thể đi cùng với mình và chia đôi chi phí.

Về việc ăn uống: Người Việt hay ăn mỗi bửa 3 món. Bên tây, nhất là ở Đức, không ăn vậy. Vừa tốn thì giờ nấu nướng, vừa tốn tiền. Đói thì có gì, ăn nấy, giãn tiện. Thay vì ăn 3 món thì ăn nhiều một món thôi, thí dụ cơm với một món sào gồm thịt và một loại rau như thịt bò sào cải xanh. Ngày mai ăn cánh chua cá lóc hay canh chua gà. Thế là xong. Ăn còn thừa, bữa mai ăn nốt rồi nấu thêm món khác ăn, nhưng chỉ một món thôi. Ăn hết món thừa mới ăn món mới. Đầu bếp dọn sao, người nhà phải ăn vậy.

Đi chợ thì trước khi đi, xem kỹ lưỡng họ quảng cáo món gì. Mình viết vào giấy, chỉ mua món đó thôi, rồi đi ra, không mua món khác nữa. Chỉ mua các thực phẩm nội địa để tiết kiệm. Thực phẩm nhập cảng giá cao, chỉ mua khi bất đắc dĩ phải mua.

Cuối tuần cùng gia đình ra miền quê chơi thì mua rau cỏ, trái cây vùng quê cho gia đình và nếu có thể chuyên chở được, mua luôn cho người hàng xóm. Thay phiên nhau, người này mua cho người kia.

Quần áo thì mình mua hàng hạ giá hay hàng đã dùng rồi, phải kiếm các hiệu tốt thì dùng cả mấy năm cũng không rách. Đừng chọn kiểu mới, chỉ chọn kiểu classical thì 10 năm vẫn dùng được. Đó là kiểu người Anh mặc. Thí dụ: quần dài màu xanh dương đậm, áo khoác cùng màu. Rồi thay đổi nay áo ngắn màu, có hoa nhỏ, mai áo sọc có màu hợp với quần. Chỉ mua tối thiểu quần áo khi cần đến. Rách cái áo thì mua cái áo khác thay thế, không mua thứ gì không dùng đến.

Những tiệm bán mỹ phẩm quảng cáo hạ giá món nào mà mình vẫn thường dùng thì mua vài thứ, chẳng hạn 3 hộp kem dưỡng da. Nếu dùng lâu được thì đã tiết kiệm được một món tiền.

Món ăn sáng của người Việt là xa xỉ: Người Đại Hàn sáng ra dậy sớm, nấu cơm và canh cho cả gia đình ăn, ăn xong ra ruộng, ai có tiền đâu mà mua món ăn sáng cho cả nhà? Người Đức thì đi đâu cũng mang bánh mì kẹp thịt hay kèm fromage và nước uống theo. Chỉ người mới mua bánh mì kẹp thịt ở bến xe điện, xe bus, giá khoảng 3 euro một cái bánh mì nhỏ. Nhân lên số tiền bỏ ra để ăn sáng, nhà có 4 người thì tốn hết 12 euro cho bữa ăn sáng. Với số tiền đó, mua thức ăn ở siêu thị về thì cả gia đình ăn cho no cả tuần cũng không hết món ăn. Tức là hôm trước mua bánh mì, ai ăn ở nhà thì nướng bánh lên, trát beurre, kẹp thịt vào, ai làm chẳng được? Ăn kiểu Việt thì bánh mì kẹp thịt chiên, giò, chả, dưa leo, đồ chua, rau mùi. Để riêng mấy thứ rau, khi ăn mới cho vào để bánh khỏi bị mềm.

Mới bắt đầu thì thử một tuần, viết từng khoản tiền chi ra vào giấy, rồi nhân lên 4 thì ra chi phí ăn uống trong một tháng.

Còn khoản tiền mừng cưới xin, sinh nhật, v.v. thì không biết đâu mà tính. Mình giao thiệp nhiều thì người ta mời mình nhiều. Mình phải biết “liệu cơm gắp mắm“, cũng coi như đi ăn nhà hàng, mình cháy túi thì phải từ chối người ta. Lương mình chỉ có bao nhiêu đó, ganh đua với người ta sao được?

Bên tây mời người ta ăn uống thế này: viết ra giấy, ai mang món gì đến. Như vậy không ai phải chi cho tất cả mọi người. Như vậy là xa xỉ. Không ai sỹ diện như người Việt. Mình họp mặt để vui, chớ không phải để khoe khoang gì. Có là cách sống của người phương tây.

Đi du lịch: Khoản này tốn khá nhiều tiền, vì vậy nên xếp đặt kỹ lưỡng nhiều tháng trước khi đi. Hãy tránh những ngày lễ là khi tất cả mọi người cùng đổ dồn đến một địa điểm, giá xe, giá phòng đều cao vì người ta thừa nước đục bỏ câu. Muốn tiết kiệm thì săn vé bất kỳ khi nào thấy giá rẻ và đi du lịch khi ít người đi. Sau đó chọn phòng nơi nhà tư nhân hay nhà nghỉ giá hạ. Thường thì mướn cả tuần giá rẻ hơn chỉ mướn vài ngày. Mướn nguyên căn hộ có bếp thì tiết kiệm được ăn hàng ăn quán. Khi nấu ăn thì chỉ chọn món nào đơn giản như thịt chiên, rau trộn và bánh mì hay mì với nước sauce hoặc pizza chỉ việc cho vào lò nướng. Cả gia đình giúp việc làm bếp. Mỗi người làm một việc rồi cùng rửa chén, lau dọn.

Tôi chỉ giúp ý về đề tài tiết kiệm như vậy. Bạn đọc chọn lựa để xem đề nghị nào áp dụng được thì dùng.

Tác giả: Thạc Sỹ Karin Puttfarken, Viện Đại Học Hamburg, CHLB Đức