TBVĐ- Cải cách Hartz IV phải giúp xóa bỏ quan liêu và giảm tải công việc cho Jobcenter, nhưng đoạn chữ in nhỏ của Luật đơn giản hóa SGB II (Gesetz zur Rechtsvereinfachung SGB II) lại khiến những cặp vợ chồng li hôn tranh cãi về tiền và quyền tiếp xúc với con.
Theo đó, những người độc thân nuôi con đang nhận trợ cấp Hartz IV sẽ bị cắt tiền trợ cấp xã hội cho con vào những ngày con ở cùng bố/mẹ còn lại, tương đương 9 Euro cho trẻ 6-14 tuổi và 10,20 Euro cho trẻ 14-18 tuổi. Khi đó, bố/mẹ còn lại có thể khiếu nại để nhận khoản tiền này. Cho đến nay, những người nuôi con một mình đang nhận Hartz IV đã bị đe dọa cắt giảm trợ cấp, khi con ở cùng bố/mẹ còn lại, do khi đó, bố/mẹ còn lại và con tạo thành hộ gia đình cần giúp đỡ tạm thời (temporäre Bedarfsgemeinschaft) và có tiêu chuẩn xin trợ cấp xã hội một phần. Tuy nhiên, điều này do từng địa phương quyết định. Sắp tới, quy định này sẽ được ấn định trong luật, tất cả các địa phương phải thực hiện. Trợ cấp cũng bị cắt giảm, ngay cả khi bố mẹ còn lại không xin trợ cấp xã hội. Những người nuôi con một mình, đa phần là phụ nữ, sẽ bị giảm trợ cấp, mặc dù các chi phí cố định khác như phí điện thoại, điện, bảo hiểm hay phí câu lạc bộ vẫn như cũ. Phát ngôn viên đảng Xanh, bà Franziska Brantner cho rằng quy định này quá nhảm nhí, do cản trở việc cùng nhau giáo dục con sau khi li hôn, khiến con tiếp xúc với bố/mẹ còn lại ít hơn. Dự luật này ảnh hưởng đến rất nhiều người độc thân nuôi con. Gần 40% những người nuôi con một mình phải xin thêm trợ cấp Hartz IV một phần hay toàn phần, tương đương 628.000 hộ, trong đó 21.000 phải xin thêm mặc dù đi làm toàn thời gian. Thật bất công khi cắt bỏ trợ cấp xã hội dành cho con, ngay cả khi người cha không nhận khoản trợ cấp nào.
Khi đứa trẻ lúc sống cùng bố, khi sống cùng mẹ, mọi thứ đều phải trang bị gấp đôi: Hai phòng trẻ em, hai lần quần áo, ngoài ra còn các vật dụng hàng ngày. Lẽ ra, phải tăng trợ cấp để đủ trang trải những chi phí này. Đảng Xanh đề xuất cấp cho những người độc thân nuôi con toàn bộ tiêu chuẩn dành cho con và trợ cấp nhu cầu thêm Mehrbedarf cho bố/mẹ còn lại. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với đề xuất này. Hiệp hội nữ luật sư Đức đưa ra giải pháp cấp trợ cấp tiếp xúc với con Umgangsmehrbedarf cho bố/mẹ còn lại, và không cắt trợ cấp của người nuôi con chính. Nếu giảm trợ cấp của người độc thân nuôi con, mức sống tối thiểu của đứa trẻ có thể không được đảm bảo, ảnh hưởng xấu đến cả đời sống tinh thần của đứa trẻ. Hiệp hội Những người độc thân nuôi con (VAMV) cũng lập luận tương tự. Theo đó, Luật Xã hội phải lưu ý, tránh để việc cùng nhau chăm sóc con trở thành gánh nặng vật chất cho con. Rõ ràng, việc đảm bảo đời sống tối thiểu cho những đứa trẻ sống tại hai gia đình tốn kém hơn mức trợ cấp được công nhận hiện nay rất nhiều. Do đó, VAMV yêu cầu không giảm mức trợ cấp của người độc thân nuôi con và cấp trợ cấp thêm Umgangsmehrbedarf cho bố/mẹ còn lại.
Dự luật này rõ ràng đi ngược với mục tiêu hỗ trợ bố mẹ cùng chăm sóc con sau khi li hôn của chính sách gia đình. Nếu áp dụng luật, sẽ có nhiều người tìm cách giảm hoặc không cho con đến ở cùng bố mẹ còn lại. Các Hiệp hội Gia đình cũng yêu cầu cấp trợ cấp nhu cầu thêm Umgangskinder-Mehrbedarf. Nếu theo cách tính toán trợ cấp những ngày con ở cùng bố mẹ của dự luật, có thể hiểu, đứa trẻ phải mang theo phòng, giường và những vật dụng cần thiết, khi đến ở tại nhà bố mẹ còn lại. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này hoàn toàn nhảm nhí.
H.N