Vài ngày sau cuộc tấn công khủng bố tại ga tàu điện ngầm Parsons Green, phía Tây thủ đô London, Anh đã đề xuất một hiệp định an ninh mới với Liên minh châu Âu (EU) để cải thiện mức độ hợp tác về các vấn đề an ninh sau Brexit nhằm tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố.
Chống lại những mối đe dọa xuyên biên giới
Hiệp ước mới hậu Brexit sẽ giúp tăng cường trên các lĩnh vực an ninh nội bộ, chia sẻ những giá trị về tôn trọng quy định luật pháp và bảo vệ quyền con người. Theo Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis, hợp tác xuyên quốc gia thực sự là vô cùng quan trọng để đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý, bảo đảm sự an toàn cho các công dân của Anh và EU. Đây chính là lý do Anh muốn xây dựng đối tác mới với EU vượt xa hơn cả khuôn khổ hợp tác hiện nay mà Anh có với các nước không phải là thành viên của EU. Bằng cách này, Anh và EU có thể tiếp tục cùng nhau chống lại những mối đe dọa, nguy cơ xuyên biên giới.
Thông qua tài liệu “Tương lai Đối tác” về an ninh, tăng cường pháp luật và hình sự đầy tham vọng bằng một khuôn khổ pháp lý mới nằm ngoài khuôn khổ của tòa án Công lý châu Âu, Anh vẫn muốn tiếp tục duy trì sự tham gia của mình với EU trong những lĩnh vực gồm: tiếp tục là thành viên của Interpol châu Âu, mà hiện nay Anh đang là giám đốc của khu vực; cùng tuân theo các điều khoản của hệ thống lệnh truy nã châu Âu, theo đó những kẻ bị tình nghi có thể nhanh chóng được dẫn độ đến các nước trong châu Âu; tiếp tục tham gia vào hệ thống dữ liệu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không đến và đi khỏi châu lục do Anh xây dựng trước đây nhằm xác định danh tính của những kẻ tình nghi khủng bố hoặc tội phạm đã đến châu Âu; tiếp tục tham gia Hệ thống thông tin Schengen II (Information System II); sử dụng cơ sở chuyển dữ liệu internet Europol cho phép có thể xóa bỏ các nội dung bạo lực và khủng bố trên các trang web; tiếp tục tham gia hiệp định Prum cho phép các nước chia sẻ ADN, vân tay và các đăng ký biển số xe.
Vai trò quan trọng
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban Châu Âu đang cải tổ các hệ thống xác định những đối tượng xâm nhập qua biên giới EU, hỗ trợ triệt phá những tổ chức bảo trợ tài chính cho các mạng lưới Hồi giáo cực đoan, đối phó những đối tượng khủng bố sử dụng danh tính giả và nâng cấp cơ quan cảnh sát châu Âu Europol.
Hiện còn nhiều vấn đề chính tồn đọng trong các cuộc đàm phán liên quan đến quyền lợi của công dân Anh và công dân châu Âu. Nếu không thống nhất được, cũng có khả năng Anh sẽ rút khỏi EU mà không có một thỏa thuận Brexit toàn diện nào. Thủ tướng Anh Theresa May đã nhiều lần tuyên bố rằng không có thỏa thuận nào vẫn tốt hơn là một thỏa thuận xấu đối với Anh. Về lĩnh vực thương mại, nếu không có thỏa thuận nào được ký thì có nghĩa là Vương quốc Anh sẽ phải tuân theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong khi về mặt an ninh thì việc không ký một “thỏa thuận ly hôn” êm thấm sẽ dẫn đến sự suy giảm hợp tác về truy tìm tội phạm và thực thi pháp luật.
Giữa làn sóng khủng bố đang ngày càng lộng hành khắp châu Âu, Anh ý thức rằng hợp tác an ninh đóng một vai trò quan trọng và một hiệp định an ninh hậu Brexit mới nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ hợp tác sâu rộng trong cuộc chiến chống khủng bố. Chính phủ Anh cho rằng, cả Anh và EU đều có nghĩa vụ tuân theo hiệp ước mới này và cùng nhau đưa ra cơ chế chung nhằm giải quyết những tranh chấp nếu xảy ra giữa hai bên. Trước đó, các quan chức cấp cao EU cảnh báo, Anh cần nhanh chóng làm rõ quan điểm về các vấn đề an ninh, nếu không sẽ bị đứng ngoài cơ cấu chống khủng bố của châu Âu.
Theo Hạnh Chi (tổng hợp) / sggp.org.vn